Quản lý nghệ sĩ - Cần cách tiếp cận khác
Đời sống văn hóa giải trí lại xáo trộn vì một cuộc hội nghị: Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến góp ý Đề án cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ở cả 3 miền Bắc Trung Nam. Nhìn ở góc độ tích cực, trong tình cảnh hỗn loạn của đời sống showbiz hiện tại, việc đặt ra vấn đề phải có biện pháp quản lý để đưa hoạt động trong lĩnh vực này theo hướng lành mạnh, quy củ là điều nên làm, nếu không nói là đã có phần muộn!
Thế nhưng, rõ ràng cách đặt vấn đề xem ra rất đáng phải bàn. Bởi không phải ngẫu nhiên cho đến nay có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh tính khả thi cũng như hiệu quả thực sự của quy định này một khi được triển khai vào thực tế. Cần nhớ rằng trước đây, vấn đề cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ đã được triển khai nhưng bị bãi bỏ sau đó bởi những bất cập và hạn chế của nó.
Và xem ra, sau hội nghị lần này, những câu hỏi về tính hiệu quả và khả thi của việc cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ vẫn tiếp tục bị bỏ ngỏ. Cũng như niềm tin về bộ mặt tươi sáng, chỉn chu, nề nếp hơn của thị trường biểu diễn nói chung sau thời điểm tháng 1-2014 (thời điểm dự kiến áp dụng chính thức quy định này) vẫn còn treo lơ lửng đâu đấy. Ở đây, không thể không đặt câu hỏi tại sao cứ mãi loay hoay với việc quản lý nghệ sĩ bằng chứng chỉ hành nghề mà không là một cách tiếp cận khác? Trong một thị trường giải trí chuyên nghiệp, nghệ sĩ không thể tự mình hoạt động đơn lẻ được. Vậy tại sao không phải quản lý thị trường biểu diễn mà là quản lý nghệ sĩ? Nếu được quản lý tốt, hiệu quả thị trường biểu diễn chắc chắn sẽ khó có thể phát sinh biến tướng, nhố nhăng như thời gian qua. Đơn giản, một cơ thể khỏe mạnh rất khó sinh ra ung nhọt. Mà đã là thị trường, cách tốt nhất là nên dùng các công cụ thị trường để điều tiết, quản lý. Trong trường hợp này là những biện pháp chế tài nghiêm minh và đủ sức răn đe. Chúng ta không thể kỳ vọng hoạt động biểu diễn sẽ nề nếp, quy củ khi mà mức chế tài chỉ ở mức phe phẩy đuổi ruồi, quạt muỗi như hiện tại.
Mới nhất là trường hợp vi phạm của Công ty TNHH Quốc tế Thời trang Vệ Nữ (Venus) liên quan đến việc tổ chức Đêm hội chân dài 7. Người ta tự hỏi với mức phạt 35 triệu đồng cho những vi phạm như quảng cáo rượu, trình diễn nội y… của một chương trình với quy mô đầu tư được công bố là khoảng 7 tỷ đồng thì sẽ răn đe được ai? Ai sợ và liệu họ có chùn tay ở những lần sau? Trong khi, nếu mức phạt đủ sức làm phá sản một doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ khác. Khi đó, nghệ sĩ nói riêng và hoạt động biểu diễn nói chung sẽ tự điều chỉnh để không phải tự đập bể “nồi cơm” của chính mình. Sự vụ này cũng nhắc nhớ khoảng hơn 10 năm trước, khi Bộ GTVT ban hành quy định về quản lý hành nghề xe ôm. Đến nay không biết có văn bản nào khai tử quy định ấy chưa nhưng có thể thấy quy định ấy chưa bao giờ đi vào thực tiễn đời sống. Quản lý nhà nước là khoa học. Ban hành một quy định nào đó phải tính đến yếu tố khả thi cũng như cần lượng giá những tác động xã hội đi kèm.
Nếu cứ ban hành những quy định mà khả năng “chết yểu” khi đi vào thực tiễn rất cao như trên không chỉ gây phiền hà, tốn kém tiền của nhân dân mà quan trọng sẽ khiến người dân dần mất niềm tin vào cơ quan quản lý nhà nước.
. Theo SGGP