Hành trình không đơn độc
Khó có thể diễn tả hết nỗi nhọc nhằn của những em nhỏ sớm mồ côi, chật vật với cuộc sống thiếu trước hụt sau. Song, các em như những mầm sống vươn lên, không ngừng cố gắng để đạt thành tích cao trong học tập, trở thành người có ích. Và điều đáng để ai cũng vui là các em không hề đơn độc trên hành trình đó.
Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Lê Thị Vinh Hương trao học bổng cho em Phạm Thị Mỹ Duyên.
Tờ mờ sáng 29.9, chị Lê Thị Hồng cùng con gái Nguyễn Thị Bích Hòa đã lục tục đón xe từ Hy Văn (xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn) vào TP Quy Nhơn. Được tin Hòa tiếp tục được nhận học bổng dài hạn, mẹ con chị rất vui, dù Hòa vẫn thường xuyên được nhận những sự hỗ trợ như thế từ cộng đồng. Năm 2011, chồng mất vì bệnh phổi, chị Hồng một mình nuôi con ăn học. Dù, thu nhập từ 6 sào ruộng ở mảnh đất cằn cỗi ấy chẳng thấm thía gì giữa cuộc sống biết bao thứ phải lo toan. Dù, thỉnh thoảng chị lại bị ngất vì căn bệnh suy tim, tụt canxi. Leo lên hội trường ở tầng 4 của Sở LĐ-TB&XH, chị phải dừng lại thở dốc mấy bận, khuôn mặt đã trắng bệch càng như tái đi. Khó khăn đủ bề là vậy, nhưng 9 năm qua Hòa vẫn liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi. Hoàn cảnh khó khăn chừng như là động lực khiến các em càng nỗ lực hơn bạn bè cùng trang lứa.
Thêm một minh chứng nữa là cô bé Phạm Thị Mỹ Duyên, học lớp 6A1, Trường THCS Nhơn Khánh, thị xã An Nhơn. Năm Duyên mới lên 2, mẹ em mất đột ngột sau khi chứng kiến 2 người bạn thân bỏ mạng vì một tai nạn lật xuồng trên sông. Cũng năm đó, ba em ra đi sau một tai nạn giao thông. Ngoài hai anh em Duyên, bà ngoại còn chăm bẵm thêm 2 đứa cháu nữa.
Em Nguyễn Thị Bích Hòa nói lời cảm ơn sau khi nhận học bổng.
Chở đứa trò nhỏ xuống nhận học bổng, thầy Lê Minh Phụng, Tổng phụ trách Đội của Trường THCS Nhơn Khánh, cứ xuýt xoa: “Con bé gầy quá, 11 tuổi rồi mà mới 23 ký. Nhỏ vậy mà học giỏi, lanh lợi lắm đó!”. Nghe thầy khen, Duyên nhoẻn miệng cười.
Hòa và Duyên là 2 trong 10 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vươn lên học giỏi được chọn trao học bổng dài hạn của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Học bổng bắt đầu được trao từ năm 2013, và sẽ kéo dài cho đến khi các em đủ 16 tuổi. Theo Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Lê Thị Vinh Hương, tiêu chuẩn chọn đối tượng được trao học bổng này có phần khắt khe. Không chỉ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học giỏi ít nhất 3 năm liên tiếp trước khi được chọn, các em còn phải năng nổ, tích cực trong hoạt động tập thể ở trường, lớp.
“Mức học bổng 5 triệu đồng/năm học thật sự chưa phải là cao, nhưng cũng giúp gia đình trang trải chi phí học tập cho các em. Hơn thế, từng em nhận học bổng sẽ thấy mình được cộng đồng quan tâm, thấy mình không lẻ loi trên hành trình vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Tiếp thêm được sức mạnh cho từng em nhỏ chịu nhiều thiệt thòi là tâm nguyện lớn nhất của chúng tôi”, bà Vinh Hương chia sẻ.
Trong năm học 2015-2016, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã trao 400 suất học bổng, cùng hàng trăm bộ đồ dùng học tập, sách vở, xe đạp, với tổng giá trị trên 400 triệu đồng. Quỹ vẫn tiếp tục kêu gọi, vận động sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, để có thêm nhiều trẻ em khó khăn được tiếp sức, giúp hành trình đến trường của các em bớt phần nhọc nhằn.
Không khó để cảm nhận được sự cảm động của người thân các em khi chứng kiến lễ trao học bổng. Ông Phạm Sung (ở xã Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân) cứ nheo mắt chăm chú dõi theo cháu ngoại Phan Hoài Phong lên nhận học bổng. Cách đây 6 năm, con gái Phạm Thị Sương phát bệnh thận, phải chạy thận ở BVĐK tỉnh. Người chồng đành đoạn ly thân, bỏ vào Nam lâu lâu mới về thăm con, cho con vài trăm bạc rồi lại đi. Ở nhà, bà ngoại của Phong bị tai biến từ năm 2001, nằm một chỗ suốt hơn 2 năm qua.
“Được cái, thằng Phong và chị nó đều học giỏi, tui cứ lấy đó làm vui mà cố. Năm nay tui cũng 78 rồi, chẳng biết còn gắng được bao lâu nữa, nhưng biết cháu còn được nhiều người thương thế này, cũng thấy an ủi phần nào”, ông tâm sự.
NGUYỄN VĂN TRANG