Kết hôn không đăng ký: Thiệt đơn, thiệt kép
Yêu nhau rồi cưới, nhiều người đơn giản nghĩ rằng quan trọng là ở tình nghĩa vợ chồng chứ chẳng trói buộc nhau ở tờ giấy kết hôn, khi sinh con đẻ cái cũng chẳng màng đến việc đăng ký kết hôn. Cho đến khi hôn nhân trục trặc: chồng ngoại tình, chồng muốn ly hôn hoặc thậm chí chồng gặp tai nạn qua đời, họ mới thấm vị đắng hôn nhân không hôn thú. Những trường hợp sau được ghi nhận tại huyện trung du Hoài Ân.
Thiệt đơn, thiệt kép
Cưới chồng năm 1992, 1 năm sau, chị T.T.N (45 tuổi ở thôn Phú Khương, xã Ân Tường Tây) sinh con trai. Chị bảo chồng, có con rồi nên làm giấy đăng ký kết hôn, đặng còn làm giấy khai sinh cho con nhưng chồng cứ lần lữa, bảo: “Mắc công quá, tôi có bỏ bà đâu mà đăng ký kết hôn”. Đã chung sống cùng nhau, lại có con, nội ngoại công nhận, lại tin lời chồng, chị N. không đả động đến chuyện làm giấy kết hôn nữa. Rồi thêm hai đứa con nữa ra đời, họ làm ăn tích cóp dựng nhà, sắm sửa tiện nghi, lo nuôi con ăn học, chị quên bẵng câu chuyện “đăng ký kết hôn”.
Chị T.T.N kể về cuộc hôn nhân nhiều nước mắt của mình. Ảnh: DỊU DỊU
Nào ngờ, 20 năm sau, chị phát hiện chồng ngoại tình. Ban đầu ông ta còn xấu hổ vì làm chuyện không đúng, ngại con nên hứa đổi thay. Nhưng thói xấu thành nết, sau đó lại lăng nhăng lần 3, lần 4, thậm chí sinh con với người tình rồi dọn về ở cùng nhau. Quá uất ức, chị N. đâm đơn ra tòa ly hôn. “Tôi đã nhường nhịn, nghĩ sống vì con nên tha thứ hết lần này tới lần khác. Thế nhưng, chồng vẫn ngựa quen đường cũ, nhiều lần kiếm cớ đánh đập, xúc phạm mấy mẹ con. Thậm chí còn bế cả con nhỏ ở ngoài về bảo tôi nuôi. Tôi không đồng ý, ông ấy đốt quần áo, đuổi mấy mẹ con ra khỏi nhà. Tôi phải xin ly hôn”, chị N. nói.
Tòa sơ thẩm xử mẹ con chị N. được hưởng 1/2 miếng đất và ngôi nhà xây trên đó, một nửa mảnh đất giao cho chồng của chị. Tuy nhiên, viện cớ vì giữa ông ta và chị N. không đăng ký kết hôn nên ông ta kháng cáo, đòi tất cả tài sản là của mình; và vì không có giấy đăng ký kết hôn nên chị N. không thể buộc tội ông ta ngoại tình được. “Mặc dù tòa án huyện xử mẹ con tôi được hưởng ngôi nhà, chồng có trách nhiệm trợ cấp nuôi con út 600 ngàn đồng/tháng, nhưng mẹ con tôi nào dám ở đó vì ông ta đe dọa, không cho ở. Mấy mẹ con dắt nhau về ở tạm dưới xóm cha mẹ ruột tôi ở nhờ. Về đây, không nhà, không ruộng, mẹ con tôi sống nhờ đồng tiền làm thuê, làm mướn”, chị N. kể.
Trường hợp chị N.T.D (thôn Phú Hữu 2, Ân Tường Tây) lại khác. Chị D. qua một lần hôn nhân tan vỡ rồi góp gạo thổi cơm chung với người đàn ông khác. Nghĩ rổ rá cạp lại, chị D. cũng không đăng ký kết hôn. Vợ chồng mâu thuẫn, chị D. tay trắng về lại nhà mẹ đẻ, dẫu trước đó chị có đóng góp ít nhiều công sức vào gia đình nhà chồng.
Không nên chủ quan
Theo chị Nguyễn Thị Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoài Ân, trường hợp hôn nhân không đăng ký kết hôn thường rơi vào những người đã khá nhiều tuổi hoặc kết hôn từ trước năm 2000. Thời đó do công tác tuyên truyền phổ biến Luật Hôn nhân gia đình chưa sâu rộng nên nhiều người thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của việc đăng ký kết hôn; hoặc lấy nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn nên không đăng ký kết hôn. Thêm nữa, việc làm giấy khai sinh cho con cũng còn dễ dàng nên nhiều gia đình rất chủ quan không cần đăng ký kết hôn tại địa phương.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các chị em đều ý thức tầm quan trọng của việc đăng ký kết hôn, tuân thủ quy định của pháp luật, trừ một vài trường hợp phải kết hôn “chui” vì chưa đủ tuổi theo quy định pháp luật. “Như trường hợp của gia đình chị N.T.T (1992, thôn Vạn Hội, xã Ân Tín) và anh P.T (thôn Thế Thạnh, Ân Thạnh). Họ lấy nhau năm 2007, năm 2008 sinh con nhưng đến năm 2011, khi được cán bộ hội vận động mới đăng ký kết hôn. Đến năm 2014, vợ chồng ly hôn vì mâu thuẫn gia đình, sau nhiều lần hòa giải bất thành, chúng tôi chuyển đơn lên tòa án huyện giải quyết. Vì có đăng ký kết hôn nên việc giải quyết tài sản cũng thuận lợi hơn”, chị Liên nói.
Khi vợ chồng không đăng ký kết hôn, nếu cuộc sống cơm không lành, canh không ngọt, hoặc chồng bất ngờ bị tai nạn, người phụ nữ thường thiệt đơn thiệt kép. Cũng theo chị Liên, trong quá trình làm công tác hòa giải, có một trường hợp hai vợ chồng lớn tuổi sống theo kiểu hôn nhân chắp vá không đăng ký kết hôn. Người chồng hay dở thói bạo lực, vợ phải đưa đơn lên Hội can thiệp, Hội nhờ tòa án giải quyết. Vì không đăng ký kết hôn nên tòa án chỉ phán quyết không công nhận vợ chồng, để người vợ khỏi bị bạo hành.
“Vì vậy, thời gian qua Hội LHPN huyện Hoài Ân đã tổ chức những buổi tuyên truyền, lồng ghép kiến thức Luật Hôn nhân gia đình cho các hội viên. Mỗi cơ sở phải có một tổ hòa giải, thường xuyên theo dõi đời sống của hội viên, kịp thời hỗ trợ, can thiệp những hành vi vi phạm Luật hôn nhân gia đình…”, chị Liên cho biết thêm.
Một thẩm phán TAND huyện Hoài Ân cho biết thêm, đối với các cuộc hôn nhân không đăng ký kết hôn, việc tranh chấp về tài sản, con cái vẫn có thể giải quyết được nhưng phải mất nhiều thời gian hơn so với cuộc hôn nhân được đăng ký hợp pháp. Đặc biệt, trong trường hợp người chồng vì lý do nào đó mà đột ngột tử vong, thì người vợ không có quyền hưởng di sản thừa kế của chồng.
DỊU DỊU