Đại tá Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Cảnh sát PC và CC:
Tập trung xây dựng lực lượng trưởng thành về mọi mặt
Đại tá Trần Ngọc Thanh
Tháng 8.2015, Bộ CA đã có quyết định thành lập Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PC và CC) tỉnh Bình Định. Nhân Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy (4.10), PV Báo Bình Định đã phỏng vấn đại tá Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Cảnh sát PC và CC tỉnh, về công tác phòng chống cháy nổ hiện nay và phương hướng xây dựng lực lượng trong tình hình mới.
* Từ năm 2014 đến nay, tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp, có xu hướng gia tăng. Là người đứng đầu Cảnh sát PC và CC tỉnh, ông nhận định về vấn đề này như thế nào?
- Theo thống kê, trong năm 2014 toàn tỉnh xảy ra 49 vụ cháy, làm 1 người chết, thiệt hại về tài sản lên đến 29,5 tỉ đồng; so với năm 2013 tăng 9 vụ, giá trị thiệt hại tài sản tăng lên 23,4 tỉ đồng. Từ đầu năm 2015 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 67 vụ cháy, làm 2 người chết, cháy 5 ha rừng trồng, tổng tài sản bị thiệt hại ước tính khoảng 15,7 tỉ đồng.
Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy, song chủ yếu vẫn là sự thiếu ý thức, chủ quan của người dân trong việc sử dụng nguồn lửa, nhiệt, điện trong sinh hoạt và sản xuất hàng ngày. Mặt khác, một số cơ quan, đơn vị, địa phương cũng chưa thật nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phòng cháy chữa cháy (PCCC), chưa chủ động và thường trực sẵn sàng ứng phó với sự cố cháy nổ xảy ra. Trong việc này, không thể không nhắc đến trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị, vì nếu thực sự quan tâm đến công tác này thì công tác PCCC tại cơ sở sẽ được tăng cường, trang bị đầy đủ phương tiện và tuân thủ quy trình làm việc đảm bảo PCCC, còn không thì ngược lại.
* Tháng 8.2015, Cảnh sát PC và CC tỉnh Bình Định được Bộ CA ra quyết định thành lập trên cơ sở tách ra từ một phòng nghiệp vụ của CA tỉnh. Đâu là những thuận lợi, khó khăn của ngành hiện nay, thưa ông?
- Việc thành lập Cảnh sát PC và CC tỉnh Bình Định nhằm đáp ứng sự phát triển KT-XH, tốc độ đô thị hóa nhanh của tỉnh nói riêng và của khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung, nhất là khi Bình Định đã được xác định là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực miền Trung.
Quy mô của lực lượng cảnh sát PC và CC vì thế cũng được nâng tầm, từ một phòng trực thuộc CA tỉnh trở thành một đơn vị ngang tầm với CA tỉnh, trực thuộc Bộ CA với 10 phòng, trung tâm; trong đó có 5 phòng cảnh sát PC và CC khu vực, bố trí rộng khắp trên phạm vi toàn tỉnh trực tiếp làm nhiệm vụ PCCC và cứu nạn cứu hộ (Phòng 1 phụ trách địa bàn TP Quy Nhơn; phòng 2: Tuy Phước, Vân Canh, KCN Phú Tài và Long Mỹ; phòng 3: KKT Nhơn Hội và Phù Cát; phòng 4: Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão; phòng 5: An Nhơn, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh).
Khó khăn nhất hiện nay của đơn vị là một số cán bộ, chiến sĩ được chuyển từ CA tỉnh sang, chưa qua lớp đào tạo cơ bản về PCCC, nơi làm việc, phương tiện PCCC, nhất là các phòng cảnh sát PC và CC khu vực còn thiếu thốn nhiều.
Cảnh sát PC và CC Bình Định luyện tập.
* Vậy đơn vị sẽ đề ra những giải pháp nào để khắc phục những khó khăn trên nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ PCCC trên địa bàn tỉnh?
- Trong thời gian đến, Cảnh sát PC và CC tỉnh sẽ chủ động nắm chắc tình hình phát triển KT-XH của tỉnh liên quan đến ANTT, tình hình PCCC và cứu nạn cứu hộ để tham mưu cho Bộ CA, cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ được giao. Mặt khác, chúng tôi cũng sẽ tập trung đào tạo, xây dựng lực lượng cảnh sát PCCC trưởng thành về mọi mặt, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới, từng bước trang bị cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho PCCC và cứu nạn cứu hộ, làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC ở các cơ sở, địa bàn có nguy cơ cháy nổ cao.
Bên cạnh đó, Cảnh sát PC và CC tỉnh cũng rất mong các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu các đơn vị và toàn thể nhân dân chủ động thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của Luật PCCC, nâng cao ý thức phòng ngừa cháy nổ trong sản xuất, sinh hoạt.
* Cảm ơn ông!
THU HÀ (thực hiện)
Toàn dân cùng tham gia phòng cháy chữa cháy
Từ chỗ xem PCCC là nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát PC và CC, người dân đã thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với công tác này, đây được xem là nét chuyển biến tích cực nhất trong phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” ở Bình Định thời gian qua. Thực tế cho thấy, những khu dân cư nào, cơ sở sản xuất nào mà mọi người nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác PCCC thì ở nơi đó không xảy ra cháy.
Người dân phường Trần Phú, TP Quy Nhơn được hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy. Ảnh: THÀNH LONG
Xác định vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác PCCC, những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia PCCC được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, có chiều sâu, mang lại hiệu quả. Đã xuất hiện nhiều tấm gương quần chúng dũng cảm cứu người trong hỏa hoạn, điển hình như 2 công dân ở phường Hải Cảng cứu hàng xóm khi xảy ra cháy, được các cấp khen thưởng.
Chợ là nơi có nguy cơ cháy cao, tuy nhiên nhiều năm qua, chợ Đầm, TP Quy Nhơn không để xảy ra cháy nổ. Tiểu thương Nguyễn Thị Loan cho biết: “Ban Quản lý chợ thường xuyên đôn đốc, còn bản thân chúng tôi khi ra về luôn nhớ tắt điện, khi cần thay hoặc sửa điện đều báo Ban quản lý theo dõi”. Hay tại KV 5 phường Trần Phú, TP Quy Nhơn, nơi được xây dựng mô hình “Khu dân cư an toàn về PCCC”, cũng thực hiện tốt các quy định PCCC. Được chính quyền quan tâm, tại khu vực này, nhiều hộ dân trang bị bình chữa cháy cá nhân. Nếu phát hiện nhà hộ dân nào bị cháy, các hộ dân huy động bình chữa cháy dập tắt đám cháy khi mới manh mún. Ông Phan Công Năng, người dân địa phương, kể: “Tui được đi học kiến thức PCCC, cách sử dụng bình chữa cháy, học xong về nhà tui hướng dẫn lại cho người thân”.
Tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn, doanh nghiệp đã xây dựng các đội PCCC, hàng năm kiện toàn, củng cố. Nhiều mô hình PCCC tại các cơ sở đã phát huy hiệu quả tích cực, như mô hình phối hợp an toàn PCCC của các doanh nghiệp ở KCN Phú Tài (các doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ nhau về con người và phương tiện trong PCCC) là mô hình hay cần nhân rộng trong các khu công nghiệp.
THÀNH LONG