Phụ nữ Quy Nhơn tài năng, duyên dáng
Trong những ngày qua (1-3.10), hội trường Nhà Văn hóa Lao động tỉnh luôn nhộn nhịp người xem vòng sơ khảo Hội thi Nữ công nhân, viên chức, lao động TP Quy Nhơn tài năng duyên dáng, năm 2015. Hội thi đã tạo sân chơi thực sự vui tươi, bổ ích, thiết thực để các thí sinh có điều kiện giao lưu, học hỏi, thể hiện những nét đẹp và năng khiếu của mình.
Tiết mục múa “Con cò” (Đinh Hoàng Thúy An, CĐCS Trường Mầm non Quy Nhơn) tạo ấn tượng đẹp cho người xem.
Tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ
Hội thi do LĐLĐ TP Quy Nhơn tổ chức nhằm mục đích tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn, tài năng, sáng tạo, kỹ năng ứng xử trong công việc và cuộc sống của nữ công nhân, viên chức, lao động. Đồng thời, động viên, khích lệ họ hoàn thiện những phẩm chất, chuẩn mực đạo đức, tài năng của bản thân để xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Tham gia Hội thi có 86 thí sinh đang làm việc tại 84 cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp có công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc Công đoàn ngành GD&ĐT và LĐLĐ TP Quy Nhơn.
Vòng thi sơ khảo (1- 3.10), các thí sinh đã thi hai phần: năng khiếu và duyên dáng. Nhiều thí sinh đã thể hiện được nét duyên dáng qua bộ trang phục áo dài và trang phục công sở. Khá nhiều bộ trang phục áo dài được thiết kế nổi bật, góp phần thể hiện nét đẹp hình thể cho các thí sinh. Ông Nguyễn Văn An, một cán bộ hưu trí ở phường Lý Thường Kiệt đến Hội thi để động viên cháu gái tham gia thi, nhận xét: “So với thế hệ tôi trước đây, phụ nữ công sở bây giờ có nhiều bộ trang phục đẹp và lịch sự. Điều này góp phần làm cho người phụ nữ có vẻ đẹp tự tin, tươi trẻ hơn chứ không gò bò vào những trang phục đơn điệu như trước đây”.
Qua phần thể hiện “mỗi người mỗi vẻ” của các thí sinh, 7 thành viên Ban giám khảo Hội thi đã cùng thống nhất lựa chọn 20 thí sinh tham gia vòng thi chung kết vào sáng hôm nay (4.10). Thí sinh dự thi chung kết sẽ tiếp tục trình diễn trang phục áo dài, sau đó sẽ thi ứng xử trả lời câu hỏi về chủ đề vai trò của phụ nữ, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạnh phúc gia đình, những kiến thức xã hội... để lựa chọn ra những gương mặt đạt giải.
Ấn tượng với phần thi năng khiếu
Một trong những nội dung quan trọng của Hội thi là phần thi năng khiếu. Điều ấn tượng là bên cạnh phần lớn các thí sinh thể hiện năng khiếu hát, múa, thì có hơn 20 thí sinh chọn biểu diễn võ thuật để thể hiện vẻ đẹp mạnh mẽ, khí phách tiếp nối truyền thống võ thuật quê hương. Nhiều thí sinh đã lựa chọn tự mình biểu diễn những bài võ cổ truyền đặc sắc của Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung để biểu diễn như bài quyền Thiền sư (Trần Thị Mỹ Vân, CĐCS Trường Tiểu học Trần Phú), Hùng kê quyền (Nguyễn Thị Lệ Thu, CĐCS Trường Mầm non Hoa Hồng), Song phượng kiếm (Phạm Thái Diệu Hiền, CĐCS Trường Tiểu học Lê Lợi)... hoặc biểu diễn kết hợp với đánh lên những tiếng trống hào hùng, múa cờ để thêm phần sinh động như tiết mục “Hào khí Việt Nam (Nguyễn Thị Lệ Quyên, CĐCS Trường mẫu giáo Phong Lan).
Phần thi trang phục công sở của các thí sinh.
Tạo sự sinh động và gây ấn tượng nhất cho người xem chính là phần thể hiện năng khiếu múa của thí sinh. Các tiết mục múa đa dạng từ múa đơn, múa đôi, múa phụ họa khai thác nhiều đề tài. Nhiều thí sinh đã phô diễn được nét đẹp mềm mại của người phụ nữ thông qua những tiết mục thể hiện sự đầu tư về tập luyện, dàn dựng trong nhiều ngày. Tiết mục múa “Sau giờ huấn luyện” (Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, CĐCS Trường Mầm non Hoa Sữa) tạo sự lạ, nổi bật nhờ kỹ thuật biểu diễn tốt những động tác khó của cô giáo trẻ cũng là một diễn viên múa tích cực hoạt động phong trào văn nghệ quần chúng. Tiết mục múa “Con cò” (Đinh Hoàng Thúy An, CĐCS Trường mầm non Quy Nhơn) gây nhiều thiện cảm bởi âm nhạc hay, dàn dựng ý nghĩa và sự phối hợp biểu diễn tốt của cô giáo và học trò mầm non xinh xắn. Cô giáo Đinh Hoàng Thúy An, một trong những thí sinh lọt vào vòng chung kết của Hội thi, chia sẻ: “Được sự hướng dẫn của biên đạo Kim Tiễn, tôi cùng 10 học trò đã nhận được sự động viên, hỗ trợ của lãnh đạo nhà trường và đồng nghiệp để cố gắng luyện tập cho tiết mục mang tính gắn kết tình cảm cô trò ở phần thi năng khiếu. Thông qua phần biểu diễn của mình, tôi muốn chia sẻ cùng mọi người vẻ đẹp ở sự tảo tần, chịu thương chịu khó của người phụ nữ”.
Phần thi tài năng của các thí sinh còn hấp dẫn, sinh động nhờ nhiều giọng ca hay, các tiết mục khiêu vũ, kể chuyện, hùng biện, đánh đàn organ. Điều này đã tạo nên sức hút cùng với các phần thi trang phục đã lôi cuốn đông đảo khán giả đến cổ vũ, nhất là vào buổi tối thì hội trường Nhà Văn hóa Lao động tỉnh luôn hết chỗ. Ngoài người thân, bạn bè của các thí sinh, nhiều lãnh đạo các đơn vị, cơ quan, trường học, doanh nghiệp đã đến xem cổ vũ nhiệt tình cùng với công nhân, viên chức, lao động. Chị Nguyễn Thị Diệu Hiền, một người dân ở phường Hải Cảng, cho biết: “Tôi dẫn con đến cổ vũ cho cô giáo ở Trường Tiểu học Hải Cảng. Hội thi có nhiều tiết mục năng khiếu hay, sinh động, nhiều thí sinh duyên dáng trong các bộ trang phục. Hai mẹ con ngồi xem đến khi kết thúc mới về”.
Mai Thư