KÝ SỰ PHÁP ĐÌNH
Đừng tham thì sẽ không bị lừa !
Đó vừa là lời nhắn nhủ vừa là một đúc kết rất đáng lưu tâm của một vị hội thẩm sau một phiên xử lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Kẻ lừa đảo thường tạo sự tin cậy ở nạn nhân bằng hình thức hào nhoáng; sau đó kích động lòng tham bằng cách vay tiền trả lãi suất cao, hay cùng góp vốn để kinh doanh với lợi nhuận hấp dẫn… Bằng thủ đoạn như vậy, vợ chồng Ung Thanh Đông (48 tuổi) và Nguyễn Thị Liên (44 tuổi, cùng ngụ ở phường Thị Nại, TP Quy Nhơn) đã “đánh bẫy” nhiều người.
Năm 2010, Đông thành lập Công ty tư nhân Thanh Đông, hoạt động trong lĩnh vực mua, bán gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Để có vốn kinh doanh, vợ chồng Đông đã vay của nhiều người với lãi suất cao từ 9% đến 15%/tháng. Tiền vay ngày một nhiều, trong khi đó, công việc kinh doanh lại thua lỗ, để có tiền quay vòng, vợ chồng Đông tìm cách lừa đảo.
Vợ chồng bị cáo Đông, Liên trước vành móng ngựa.
Đầu tiên, vợ chồng Đông rỉ tai nhiều người rằng, gỗ đang hạ giá, nếu có vốn mà nhập gỗ về với số lượng lớn thì rất dễ kiếm lời. Sau đó, họ rêu rao với mọi người rằng việc kinh doanh rất tốt, bằng chứng là họ mua thêm nhà, đổi xe hơi đắt tiền hơn. Không ai nghĩ rằng vợ chồng Đông đang dựng lên một vở kịch, tuy rất cũ nhưng vẫn lừa được khá nhiều người, không ít người đã tin tưởng và tự nguyện cho vợ chồng Đông vay tiền.
Thực tế, tiền vay được, vợ chồng Đông chỉ sử dụng một ít để duy trì hoạt động kinh doanh, phần lớn là đem trả lãi vay và tiêu xài. Từ tháng 8.2012 đến tháng 6.2013, vợ chồng Đông đã vay 49,475 tỉ đồng từ 8 người, chiếm đoạt của người khác hơn 42 tỉ đồng.
Mới đây, TAND tỉnh mở phiên sơ thẩm, trong phần tranh luận công khai, sau khi vợ chồng Đông khai rõ thủ đoạn vay mượn tiền của các bị hại, một thẩm phán nói với họ:
- Trình độ của chồng thì mới có lớp 8, vợ thì chuyên nội trợ. Vậy mà cả gan vay mượn, làm ăn lừa đảo tiền tỉ, tiền tính ra còn nhiều hơn lá mít, lá tre. Sao lại có thể lừa người dữ như vậy? Rồi đời con của anh chị sẽ ra sao? Mấy đứa nó làm sao ngẩng mặt mà nhìn bà con, láng giềng? Muốn đi thăm ba mẹ phải đến trại giam thì ai mà vui? Còn cha mẹ, gia đình phải sống sao đây?
Trước những câu hỏi của thẩm phán, bị cáo Liên sụt sùi:
- Cũng do bị cáo tính toán sai lầm, rồi vay lãi suất cao quá, nên mới xảy ra cớ sự hôm nay, giá như bị cáo tính toán kỹ hơn thì chắc đã khác.
Nghe lời giãi bày của bị cáo Liên, một hội thẩm hỏi lại:
- Bị cáo nói đi, nếu tính toán kỹ hơn thì đó là tính toán như thế nào? Nói rõ hơn xem?
Cả Đông và Liên cùng cúi đầu im lặng. Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa hỏi tiếp bị cáo Đông:
- Số tiền bị cáo vay có sử dụng cho mục đích kinh doanh không?
Đông đáp: Bị cáo có sử dụng kinh doanh nhưng cụ thể như thế nào thì không nhớ vì tiền vay được chủ yếu dùng để trả lãi cho mọi người, do lãi suất cao quá, nợ dồn lên nợ nên mới thâm hụt nhiều như vậy.
Thật ra chuyện tính toán kém, lãi suất cao chỉ là một cách giải thích mà thôi. Bởi lẽ, ngay từ đầu, đôi vợ chồng này đã tính toán các bước lừa đảo khá chu đáo, họ dàn dựng sao để có thể lừa được nhiều người và chiếm đoạt được nhiều tiền. Các bước tính toán này thật sự chi tiết hơn các phương án kinh doanh. Chính vì thế mà khi cả thẩm phán và hội thẩm nhân dân hỏi về “tính toán kỹ hơn” đôi vợ chồng này đều không trả lời được.
Vụ án này không có gì mới, đã từng xảy ra nhiều vụ như thế này rồi. Gọi là chuông cảnh tỉnh thì chúng tôi cũng đã gióng lên rất nhiều hồi cho tất cả mọi người cùng biết rồi! Vậy mà rồi vẫn có thêm nạn nhân là sao? Là vì vẫn có người hám lợi, muốn có nhiều tiền thật nhanh bằng cách làm ăn chụp giựt. Đừng tham, thì sẽ không bị lừa
Trong vụ lừa đảo này, những người cho vợ chồng Đông vay cũng rất đáng trách. Họ đáng trách bởi quá hám lợi, không hề suy tính, kiểm tra, khảo sát trước khi cho vay, cho mượn. Cho vay tiền tỉ mà không cần biết gì đến quá trình kinh doanh, chi tiết thương vụ, nguồn hàng, khách hàng… những yếu tố sơ đẳng của sản xuất kinh doanh. Đáng trách hơn nữa là trong số 8 nạn nhân của vợ chồng Đông có cả người hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng. Bỏ qua tất cả các nghiệp vụ, thao tác cơ bản nhất, không chỉ đem vốn riêng ra cho vay, người này còn vay mượn của người khác đem cho vợ chồng Đông vay nhằm hưởng chênh lệch. Ở nhiều mức độ khác nhau, gia đình những nạn nhân của vợ chồng Đông đều lâm vào tình trạng khó khăn, có gia đình gần như đã ly tán.
Những thông tin từ phiên tòa, những thủ đoạn lừa đảo được vạch rõ, con đường trở thành nạn nhân… không có gì mới. Nó gần như đã xuất hiện đầy đủ trong những phiên tòa tương tự. Chỉ có thủ phạm mới, nạn nhân mới. Kết thúc phiên xét xử, chủ tọa khuyến cáo, lời lẽ chậm rãi và khá day dứt: Để tránh tiền mất, tật mang, người cho vay cần tỉnh táo trước bẫy lãi suất cao, phải tìm hiểu cặn kẽ công việc, phải nắm thật nhiều thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh; phải cẩn trọng đừng lóa mắt trước hình thức bên ngoài của người đi vay bởi nhà cửa, xe cộ, nhà máy, xí nghiệp của họ tuy to lớn dềnh dàng thế nhưng rất có thể là đồ thuê dài hạn, là vật đã được đem thế chấp hết rồi, cái mà mình nhìn thấy họ sử dụng chưa chắc là cơ sở để đảm bảo họ toàn quyền sở hữu. Phải hết sức thận trọng khi tham gia các hoạt động tín dụng ngoài sự quản lý của nhà nước. Vụ án này không có gì mới, đã từng xảy ra nhiều vụ như thế này rồi. Gọi là chuông cảnh tỉnh thì chúng tôi cũng đã gióng lên rất nhiều hồi cho tất cả mọi người cùng biết rồi! Vậy mà rồi vẫn có thêm nạn nhân là sao? Là vì vẫn có người hám lợi, muốn có nhiều tiền thật nhanh bằng cách làm ăn chụp giựt. Đừng tham, thì sẽ không bị lừa”.
K.ANH
Sao không khởi tố tội cho vay nặng lãi đối với một số cá nhân có số lãi vay lên đến 15%/tháng hay đó cũng chỉ là lời nói chung không có chứng cứ
Ngoài những lý lẽ phân tích về lòng tham của nhà báo, thì câu chuyện vô lý (trong vòng chỉ 1 năm) kẻ lừa đảo đã ngốn hết số vốn trên 42 tỷ (không còn một tài sản nào: trong đó chỉ làm rõ được khoảng 6 tỷ là trả lãi cho người bị hại). Phải chăng, việc làm rõ tải sản này (dù ít hay phần nào đó cũng không có) đối với các cơ quan tố tụng là quá tải (có thể đó không phải là phần trách nhiệm của các CQ tố tụng ?). Để rồi tạo nên cái kết tham thì ráng chịu, thôi thì án kết cứ kết còn tìm ra lượng TS này để trả lại phần nào cho người bị hại chẳng phải trách nhiệm của một tổ chức nào cả (cái chuyện mượn của người này trả cho người khác, chỉ là một cái cớ để kẻ lừa đảo nói cho có, vì lẽ phần trả lãi cho người bị hại cũng được làm rõ là khoảng 6 tỷ trong 49 tỷ- không thể làm rõ được chuyện tẩu tán nên nói ăn tiêu hết 42 tỷ: ai mà trong vòng 1 năm tiêu hết số lượng tiền này, nếu không phải là tẩu tán thành công cho người thân của kẻ lừa đảo ???