Đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Tại Hội nghị sơ kết Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2015 được tổ chức ngày 30.9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Thanh Thắng chỉ đạo: “Phải xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, cần có sự dốc sức, quyết tâm của tất cả các cấp, các ngành. 3 tháng cuối năm 2015, chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa để đáp ứng nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ, thể hiện sự tri ân đối với công lao to lớn của các anh”.
Thông tin từ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, có trên 41.500 liệt sĩ hy sinh trên địa bàn tỉnh (trong đó, 30.716 liệt sĩ là người Bình Định; 10.785 liệt sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng). Từ sau ngày giải phóng đến nay, toàn tỉnh đã cất bốc, quy tập được 27.287 phần mộ liệt sĩ vào 105 nghĩa trang và vẫn còn hơn 14.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, chưa được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ.
3 năm, cất bốc 189 mộ còn hài cốt
Từ năm 2013 đến tháng 9.2015, triển khai thực hiện Quyết định 1237 ngày 27.7.2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến 2020 và những năm tiếp theo”, tỉnh ta đã khảo sát và tiến hành cất bốc 403 mộ liệt sĩ. 189 mộ còn hài cốt liệt sĩ đã được bàn giao vào nghĩa trang và tổ chức lễ truy điệu trang nghiêm, chu đáo. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, 3 năm qua, đã có 76 lượt người trực tiếp cung cấp thông tin khu vực, địa điểm có hài cốt liệt sĩ.
Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ thể hiện truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.
- Trong ảnh: Cán bộ và nhân dân trong tỉnh viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quy Nhơn.
Dẫn đầu kết quả quy tập mộ hài cốt liệt sĩ là huyện Tây Sơn với 93 mộ có hài cốt liệt sĩ. “Lớn nhất phải kể đến là năm 2013, kết hợp thông tin thu thập được giữa đoàn cựu binh tỉnh Bình Phước về thăm chiến trường xưa và người dân xã Bình Nghi, địa phương đã khai quật, cất bốc được 78 hài cốt liệt sĩ, đưa các anh về với nghĩa trang liệt sĩ. Các năm 2014, 2015, nhờ vào thông tin của người dân, cựu chiến binh Sư đoàn 3 cung cấp, Ban Chỉ huy quân sự huyện tiếp tục cất bốc được 13 hài cốt nữa”, Trung tá Trần Văn Quân, chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự huyện Tây Sơn, cho biết.
Vùng trung du Hoài Ân trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng chứng kiến sự hy sinh anh dũng của bộ đội địa phương và Sư đoàn 3 Sao Vàng. Toàn huyện có 4.088 liệt sĩ. Hiện chỉ mới 2.486 mộ liệt sĩ được quy tập vào nghĩa trang (trong đó còn 867 mộ chưa biết tên) và 759 mộ được bàn giao cho thân nhân đưa về quê mai táng. Số mộ chưa được quy tập hơn 8.400 mộ. Thực hiện Quyết định 1237 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2013 đến 2015, huyện Hoài Ân đã khảo sát 66 mộ liệt sĩ, quy tập được 23 mộ có hài cốt.
Nhằm phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, Ban chỉ đạo 1237 tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ thống kê số lượng liệt sĩ và mộ liệt sĩ hy sinh trên địa bàn tỉnh; liên hệ các tổ chức, đơn vị quân đội có liệt sĩ hy sinh trên địa bàn tỉnh bàn giao danh sách, sơ đồ mộ chí. Các địa phương cũng triển khai quản lý địa bàn, nghĩa trang chặt chẽ, theo đúng quy định của Chính phủ về tìm kiếm, quy tập, di chuyển hài cốt liệt sĩ; kịp thời ngăn chặn các hành vi trục lợi thông qua việc tìm kiếm.
Càng về sau càng khó!
Càng về sau, công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh càng bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức. Số mộ liệt sĩ phát hiện và quy tập được còn quá ít so với hơn 14.000 một liệt sĩ chưa được quy tập. Cái khó lớn nhất cho công tác quy tập mộ vẫn là nhân chứng cung cấp thông tin đã già yếu, không nhớ rõ; trong khi đó, địa hình nơi chôn cất đã thay đổi rất nhiều dẫn đến độ chính xác của nơi có mộ liệt sĩ không cao.
“Hồ sơ bàn giao của Sư đoàn 3 Sao vàng sau khi hoàn thành nhiệm vụ còn rất sơ sài. Nhiều vị trí mộ chỉ cắm bảng tên hoặc dựa vào dấu hiệu của cây, đá mà nhận biết. Hiện nay, núi rừng hầu hết đã bị người dân khai hoang trồng rừng, làm rẫy, lại thêm mưa bão gây ra sạt lở nên dấu hiệu nhận biết đã bị xóa mất, không ít lần đoàn đi khảo sát mất nhiều ngày nhưng vẫn không có được kết quả. Mặt khác, sau giải phóng, việc quy tập mộ ồ ạt dù thiếu thông tin dẫn đến tình trạng khó xác định lại thông tin của mộ chưa biết tên”, Thượng tá Huỳnh Văn Long, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự huyện Hoài Ân, chia sẻ.
3 năm liền, công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ tại địa phương đều dừng lại ở con số 0, đại diện Ban chỉ quân sự huyện Vân Canh thừa nhận những hạn chế trước Hội nghị sơ kết giai đoạn 2013 - 2015. Nguyên nhân là do sự quan tâm của lãnh đạo địa phương chưa thường xuyên; chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập; cán bộ chuyên trách cơ sở còn lúng túng; công tác tuyên truyền đến người dân chưa sâu rộng.
Nhận diện rõ những khó khăn, Ban chỉ đạo 1237 tỉnh và các địa phương đều xác định tập trung, dốc toàn lực hơn nữa cho công tác quy tập mộ liệt sĩ, thể hiện truyền thống đền ơn đáp nghĩa. “Thời gian tới, công tác quy tập cần thực hiện có trọng điểm, khoa học hơn. Đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân nhằm tăng lượt người cung cấp thông tin. Càng khó, càng phải làm! Phải vào cuộc bằng tất cả tấm lòng, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị!”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Thanh Thắng nhấn mạnh.
NGUYỄN MUỘI