NHỊP SỐNG ĐÔ THỊ
Dưới bóng keo già
Ngày ấy, cách nay đã hơn ba mươi năm, khi bước chân vào cổng của cơ quan Báo Nghĩa Bình (114-Tăng Bạt Hổ) tôi đã ấn tượng ngay với những cây keo cổ thụ ở góc đường Trần Cao Vân-Tăng Bạt Hổ gần cơ quan báo. Nhìn bóng dáng cũng đủ biết tuổi của nó dễ chừng đã gần một đời người. Những người trẻ như chúng tôi lúc ấy phải gọi nó bằng cụ. Vào những ngày tháng năm, tháng sáu mùa keo ra trái, trên các cành nhánh cao trái keo treo lủng lẳng như mời gọi lũ chim…
Nhờ những bóng keo ấy mà góc đường lúc nào cũng mát, xua đi cái nắng hè gay gắt. Có bóng cây tức là có người trú nắng, trú mưa, nhưng thường trực bên gốc keo già là ông già sửa xe đạp. Không biết ông ngồi đó từ khi nào, mỗi sáng mỗi chiều cặm cụi với công việc kiếm cơm. Nhờ có ông mà nhiều khi xe đạp của tôi khi thủng ruột, lúc trật sên được sửa chữa ngay… Những buổi trưa rỗi việc ông ngồi dựa gốc keo nhìn người qua lại, hình như cây keo và ông có mối liên hệ nào đó. Và cuộc đời ông cũng di chuyển theo những bóng keo. Trước đây, ông ngồi nơi gốc keo gần cổng cơ quan Báo, nhưng bỗng một sáng sớm cây keo già tự đổ ập xuống đường. May quá, sáng đó ông đến muộn nên không việc gì. Nhìn gốc keo phơi dưới nắng mới biết nó già cỗi quá rồi, những chiếc rễ không còn đủ sức bám vào đất. Cây keo này ngã đổ ông di chuyển qua gốc keo khác cùng với cái tủ đồ nghề. Và mỗi ngày lại cặm cụi bơm vá, cân niềng xe…
Mới đây, cây keo già góc đường lại tiếp tục đổ vì không còn đủ sức chống chọi với thời gian. Thêm một “cụ keo” giã từ trời xanh. Âu cũng là quy luật đất trời, chỉ thương ông già sửa xe đạp mất “chỗ dựa” để kiếm sống.
Nhiều người cho rằng phố biển Quy Nhơn ngày càng đẹp. Điều đó không có gì lạ vì trong nhiều năm qua Quy Nhơn đã nỗ lực vươn lên mọi mặt để xứng tầm thành phố đô thị loại 1 (trực thuộc tỉnh). Những con đường ngày càng mở rộng, nâng cấp, những khu phố mới khang trang, đặc biệt việc trồng cây xanh trên vỉa hè, công viên được xem là thành tựu đáng tự hào. Riêng tôi, lòng vẫn tưởng về những cây keo cổ thụ bên góc đường Trần Cao Vân-Tăng Bạt Hổ. Và bỗng nhớ mấy câu thơ của ông vua thơ tình Xuân Diệu viết về Quy Nhơn: “Hồi nhỏ tôi thèm ăn trái keo/ mặc quần xà lỏn vác khèo nèo…”.
Trúc Thanh