Bé Na
Truyện ngắn của hương văn
Mỗi khi ai đi ngang qua ngôi nhà rêu phong phủ đầy ấy, lòng sẽ không khỏi dấy lên nỗi niềm khó tả. Câu chuyện về gia đình bé Na xảy ra đã khá lâu nhưng vẫn còn nằm sâu trong tâm trí mọi người dân nơi đây.
***
Căn nhà ấy từng là của đôi vợ chồng trẻ đều mồ côi mẹ. Họ đến với nhau vì yêu thương và cảm thông. Chị chỉ còn cô em gái, anh là con duy nhất của người đàn ông khù khờ. Cả hai đều có tính tự lập từ nhỏ. Cưới nhau xong, họ cùng lo toan làm ăn. Anh đi bốc vác, chị ở nhà nuôi cha, nuôi heo gà và buôn bán vặt. Hai đứa con kháu khỉnh lần lượt ra đời. Mỗi khi đêm về, ngôi nhà lại đầy ắp tiếng cười vì tiếng hát bi bô, điệu múa ngây thơ của bé Na. Khi con trai lên lớp bốn, bé Na học mẫu giáo, kinh tế cũng khá giả hơn, anh chị bàn với nhau sẽ sinh thêm một đứa nữa để sau này con cháu đông đàn hơn mọi nhà. Vì cảnh ngộ trước giờ của anh chị khá neo người.
Những sóng gió bắt đầu ập đến khi chị sinh con gái út. Bé vừa lọt lòng, bụng chị lúc nào cũng quặn thắt đau. Con nhỏ, chồng bận bịu nên việc khám bệnh chỉ diễn ra ở những cơ sở y tế gần nhà. Đến khi không chịu được, anh chị đành gửi các con cho em vợ chăm hộ, vào thành phố khám bệnh. Đó là lúc đứa con út mới vừa tròn bốn tháng tuổi. Sau ba ngày, trở về, bước đi của anh đã nặng trình trịch, đôi mắt chị đã sâu hóm khi cầm trên tay phiếu chẩn đoán ung thư đại tràng, giai đoạn cuối. Hơi dao của cuộc sinh mổ là một điều kiện thuận lợi để tế bào ung thư phát triển mạnh. Trời đất như đổ sụp trước gia đình nhỏ ấy. Chính từ khi biết mẹ bệnh nặng, bé Na đã thay mẹ chăm em, quét dọn nhà cửa sạch sẽ để mẹ được vui, mẹ bảo đi lên nhà dì nhờ chút việc là chân liền tay thoăn thoắt. Ai cũng trầm trồ khen bé. Chưa đầy nửa năm sau, người mẹ bạc mệnh qua đời. Hôm đưa tiễn chị, mọi người đều không kìm nổi sự xúc động trước cảnh người chồng cùng ba đứa con thơ ngồi phục tang. Còn bé lắm nhưng Na hiểu được lần này mẹ đã ra đi mãi mãi, em khóc thét, đến khi mệt lả, lại ngồi thụp xuống thút thít: “Mẹ ơi, đừng bỏ chúng con, mẹ ơi.....!” .
Thiếu tình thương của mẹ, anh lớn trở lên lầm lì, suốt ngày đi chơi lông bông, không lo học hành, lại sinh ra trộm cắp. Có khi người cha phải nhờ đến cả công an can thiệp. Ông nội lại già yếu nên đi lại khó khăn, chả giúp được gì. Mọi việc chợ quán, cơm nước đều do Na đảm nhiệm. Bà con lối xóm đến chơi, thấy Na cắm cúi bên bàn học, họ trầm trồ, Na nói: “Ba có nhiều gánh nặng trên vai lắm. Tiền thuốc thang cho mẹ vẫn chưa trả hết, anh Hai lại không biết vâng lời, Út lại thiếu sữa, con thương ba nên phải học cho thiệt giỏi, phụ giúp ba làm việc nhà để ba được vui, các bác à!”. Nói xong, đôi mắt em lại lấp lánh nhìn lên những tấm giấy khen, ai cũng tỏ lòng thương nên nhiều người thường hay cho tiền, bé Na luôn đưa cho ba cất hộ. Cuộc sống ấy khiến Na càng trở nên già dặn hơn tuổi. Em dò theo từng suy nghĩ của ba. Mỗi khi thấy ba được chút thảnh thơi, anh và em đã ngủ, Na chạy lại bên ba, cầm tay ba lắc qua lắc lại: “Ba ơi! Ba đừng có thương người nào khác, ba đừng có lấy vợ nữa nghen ba!”. Anh phì cười rồi xoa tóc con: “Ừ, ba biết rồi, có tiền ba sẽ xây lại nhà... Ba sẽ không dẫn ai về nữa đâu”. Na cứ ngồi yên trong lòng ba để hơi ấm của ba lan tỏa bên mình.
Cuộc sống tưởng sẽ bình yên sau giông tố. Người đàn ông khắc khổ vừa trả xong gánh nợ cho vợ, cũng vừa đưa di ảnh vợ lên bàn thờ. Sau khi bán xong đàn heo con, anh muốn mời bạn bè thân hữu hay giúp đỡ mình bấy nay liên hoan nhỏ một bữa. Vì chẳng mấy khi được ngồi vui nên anh đã hơi quá chén. Đêm mưa rả rích, tiễn bạn về, anh đã trượt chân và trầy mặt. Vừa thấy ba vào nhà, Na đã chạy đến xuýt xoa và rửa vết thương cho ba. Em thỏ thẻ: “Bữa sau, ba đừng có uống rượu nữa nghen, ba nhìn vết sẹo này là phải nhớ đó nghen... Hông là con hông thương ba nữa đâu...”. Anh mệt, nhưng nghe con nói vậy, một giấc ngủ yên đã đến tự lúc nào.
Buổi sáng hôm ấy, một buổi sáng định mệnh! Tiếng gà gáy ran cũng là lúc cha con lục tục kéo nhau dậy để chuẩn bị ngày mới. Ăn sáng xong, anh xỏ vội lại đôi dép bằng dây vải rồi theo xe đến bến bốc vác. Đêm qua, trời mưa, đường đất đỏ lại dễ trơn trợt, phần vì hơi men còn gây chếnh choáng, lúc anh vác bao xi măng đến gần thùng xe thì bị xoạc chân, đầu đập vào thùng xe, máu tai phụt lên. Người tài xế chỉ kịp hét lên một tiếng rồi đỡ lấy anh khi máu cứ túa ra khắp người. Người cửu vạn ra đi không một lời trăn trối.
Tin chẳng lành ấy như một tiếng sét đánh với tất thảy mọi người. Xe cấp cứu đưa anh về, từ trong nhà ra ngoài ngõ đã chật kín người. Ai cũng bàng hoàng, rơi lệ. Một sự ra đi quá đỗi thương tâm. Đứa con lớn chạy về, thấy cha nằm bất động, ngơ ngác. Ai bảo gì, làm nấy. Bé Út cũng đã biết gì đâu! Thấy người quen, người lạ đến nhà mình đông vẫn cứ tung tăng, chạy nhảy. Trời ơi!
- Còn Na?
Vừa từ trường học về, em đã chạy đến bên ba, quỳ xuống nắm lấy tay ba mà rối rít:
- Ba ơi, ba đang ngủ phải không ba? Sao ba ngủ mà có nhiều người đến thăm thế này? Ba ơi... Vết thương đêm qua của ba, con đã rửa rồi mà sao máu ra nhiều thế? Không! Ba đang ngủ, không phải ba chết... Hu hu, hu hu!
Người nội già ngồi run rẩy. Đứa anh lại vỗ lấy vai em, đứa út cũng xúm xít bên chị. Thấy em, Na chợt nhớ ra món quà để dành trong cặp. Em nhẹ bước đến mở cặp ra, lấy ra hai miếng chuối chiên đã nguội, đưa cho em:
- Em ở nhà có ngoan không? Quà của em đây, em ăn đi, chị thương!
Đứa nhỏ toe toét cười. Đau lòng quá đỗi. Na lại khóc ngất. Mấy thím ở gần nhà khuyên, Na nghẹn ngào: “Con muốn nín mà không thể nín được. Con khóc để ba nghe tiếng con mà tỉnh dậy... Hu hu”. Na ngồi như thế cả mấy tiếng đồng hồ.
Người dì có khuôn mặt phúc hậu dìu Na xuống nhà dưới chải lại tóc và dỗ cho mấy anh em ăn. Trước chén cháo nóng một người khác vừa mua về, Na thút thít:
- Con ăn có ích gì đâu? Con không có bà nội, bà ngoại như bao bạn bè khác, mẹ bỏ con đi rồi, giờ lại tới lượt ba... Rồi anh em con sẽ sống thế nào?
Cả chục người quanh đấy đều ngồi cả xuống và nắm tay, vuốt tóc em.
- Con cố ăn đi, rồi sẽ có người lo cho các con! Người phụ nữ chưa một lần làm mẹ nói thẽ thọt. Em ngước lên nhìn, mặt chan hòa nước mắt, giọng khàn đục nhưng cố muốn nói to:
- Không ai thương các con bằng ba mẹ con hết. Không ai thay thế được ba mẹ con...
Chị buông chén, xót xa:
- Ai nghĩ cháu tôi mới học lớp ba không nè... Thương quá chừng, trời đất ơi!
Tiếng khóc ai oán và lời lẽ của bé Na khiến cả đám tang lại dấm diết tiếng sụt sịt của tất thảy mọi người. Ai cũng muốn làm một điều gì đó để chia sớt với những đứa trẻ không nơi nương tựa, càng đau xót hơn khi nhìn lên hai tấm di ảnh còn quá trẻ. Không! Họ phải làm điều gì đó thật tốt đẹp để cứu vớt lấy những số phận quá ư bất hạnh này. Những tâm hồn còn quá ngây thơ, tội nghiệp. Và hơn thế nữa, họ hãy vì một đứa trẻ tuổi còn quá nhỏ mà đã rất dạn dày trước cuộc đời.
Người cán bộ y tế từng tiếp nhận hai bệnh nhân cấp cứu nặng mà không qua khỏi của những năm tháng ấy bây giờ đã chuyển công tác vào thành phố để tiếp tục cống hiến cho ngành y. Cách xa lâu ngày, anh trở về mong tìm lại những đứa trẻ chỉ còn quen thuộc qua địa chỉ. Trên chuyến xe về xuôi, vô tình anh gặp lại người phụ nữ gần nhà bé Na, người này buôn nước mắm từ miền Trung vào Sài Gòn. Khi được hỏi, chị kể rành mạch và hưng phấn nhưng khá gọn về những đứa trẻ. Người dì ruột chấp nhận ở vậy mà cưu mang chúng từ sau đám tang của người cha. Số tiền của tất cả mọi người quyên góp, người dì tốt bụng ấy đã công khai với bà con và gửi tiết kiệm để nuôi chúng lớn khôn. Một cơ quan y tế (giấu tên) trong thành phố đã nhận đỡ đầu cho mấy đứa nhỏ. Đứa anh vừa học đến cấp ba. Bé Na đã lên lớp tám, học rất giỏi lại siêng năng, lễ phép, vừa xinh gái và hoạt bát, chăm sóc em út rất tốt. Năm nào Hội khuyến học của xã cũng đưa lên đầu bảng tuyên dương, khen thưởng.
Người cán bộ y tế mừng run, định lập bập nói: “Chị có biết mấy năm nay ai là người trực tiếp tài trợ cho các cháu không?”. Nhưng hình ảnh bé Na và những lời than khóc xót xa ngày ấy, động cơ anh chuyển về thành phố để có thêm thật nhiều thu nhập, những mảnh đời bất hạnh đã tạo cho anh một động lực để sống đẹp với đời bây giờ đã trở thành hiện thực. Anh không cần nói nữa. Tóc anh như xanh thêm, lòng anh phơi phới cùng cơn gió chiều qua cánh đồng lúa ngát hương quê. Anh hỏi cho hợp chuyện:
- Thế ông nội của các cháu thì thế nào?
Người phụ nữ luống tuổi nhìn anh cười tươi tắn:
- Ông cụ vậy mà sống thọ, vẫn còn lo được nhang khói cho các con, vẫn sống trong ngôi nhà cũ ấy.
Người đàn ông tử tế đã rất nôn nóng được gặp bé Na mà ôm vào lòng, mà hít lấy hít để cô bé, anh đã rất muốn được các con gọi mình một tiếng “Ba”.
Xe bon bon chạy, tình người như xích lại gần nhau hơn.
H.V