Bão số 4 vào Trung Quốc, Quảng Ninh mưa to, gió mạnh
Đó là nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương (NCHMF) đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) sáng 4.10.
Theo ông Trần Quang Năng - phó trưởng Phòng dự báo khí tượng hạn ngắn của NCHMF - 8g sáng nay, vị trí tâm bão số 4 ở trên vùng biển phía đông bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (120 - 150km/h), giật cấp 15-16.
Thời điểm này bão đạt sức mạnh cực đại, và sở dĩ bão mạnh lên là do sau khi vào Biển Đông, bão di chuyển trên vùng nước biển có nhiệt độ bề mặt nước biển cao (30 độ C) nên được tiếp thêm năng lượng.
Ông Năng cho biết đến sáng 4.10 các cơ quan dự báo khí tượng quốc tế và khu vực đều thống nhất bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 20km/h đi qua phía bắc bán đảo Lôi Châu vào phía Bắc vịnh Bắc bộ rồi vào đất liền Quảng Tây (Trung Quốc) trong đêm 4.10.
Với sự di chuyển như trên, vị trí tâm bão khi vào bờ sẽ cách đất liền của Việt Nam (Móng Cái - Quảng Ninh) khoảng 40-60km.
Dự báo chiều và tối 4.10, bão đi qua bán đảo Lôi Châu và do ma sát với bán đảo này nên khi vào vịnh Bắc bộ bão giảm xuống còn cấp 9-10, giật cấp 11-12. Bão sẽ tương tác với một khối không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống nên sẽ suy yếu nhanh sau khi vào bờ.
Do tâm bão đi vào Trung Quốc nên gió trong đất liền nước ta không đáng ngại. Quảng Ninh có gió cấp 5, cấp 6. Tuy nhiên, vùng biển bắc vịnh Bắc bộ có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-10, giật cấp 11-12. Sóng biển cao từ 2-4m. Biển động rất mạnh, nguy hiểm cho tàu thuyền.
Đến sáng 4.10, đảo Bạch Long Vỹ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Theo ông Năng, bão đi vào đất liền Trung Quốc nên mưa ở Việt Nam sẽ tập trung ở ba tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng với lượng mưa 50-10mm, cục bộ có nơi mưa 150-200mm. Mưa tập trung trong đêm 4 đến trưa 6.10.
Phải có các biện pháp đối phó với mưa lớn
Tính đến 6g sáng 4.10, biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị đã phối hợp chính quyền địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông tin, kiểm đếm và hướng dẫn cho 64.942 phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản/293.288 lao động biết diễn biến, vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Trong đó 70 tàu/667 người trên khu vực quần đảo Hoàng Sa đã không còn bị ảnh hưởng của bão. Tuy nhiên, khu vực vịnh Bắc bộ vẫn còn 4.148 tàu thuyền hoạt động và neo đậu.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát - trưởng Ban chỉ đạo trung ương về PCTT - nhận định dù ven bờ Quảng Ninh - Hải Phòng ảnh hưởng gió bão cấp 6 nhưng phải đề phòng dông lốc cục bộ do bão gây ra.
Ông Phát đề nghị tiếp tục kêu gọi tàu thuyền thoát khỏi phía bắc của vịnh Bắc bộ. Các tàu thuyền đánh cá, du lịch hoạt động ven biển vịnh Bắc bộ di chuyển tránh bão. Quảng Ninh chủ động xem xét việc cấm biển.
Sau cuộc họp, ông Phát gọi điện cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đề nghị triển khai các công việc trên. Đồng thời đề nghị các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng chú ý các biện pháp đối phó với mưa lớn.
Sau cuộc họp, Ban chỉ đạo trung ương về PCTT và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện gửi các tỉnh ven biển Quảng Ninh đến Thanh Hóa và các tỉnh miền núi đông bắc, đồng bằng Bắc bộ cùng các bộ ngành liên quan triển khai các biện pháp phòng chống bão.
Theo đó các tỉnh ven biển theo dõi, thông báo cho các phương tiện, ngư dân trên biển biết vị trí, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định từ phía bắc vĩ tuyến 20.
Xem xét, chủ động cấm biển với tàu cá, tàu du lịch, tàu vận tải nhỏ hoạt động trên vùng biển Quảng Ninh, có phương án đảm bảo cho khách du lịch trên đảo.
Các tỉnh miền núi theo dõi diễn biến mưa lũ sau bão để triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người sống ven sông, suối, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; các tỉnh đồng bằng chỉ đạo chủ hồ chứa vận hành đảm bảo an toàn và tích nước phục vụ sản xuất.
Theo Tuấn Phùng (TTO)