Quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp tại các đơn vị, địa phương: Còn nhiều vướng mắc, bất cập
Ðó là đánh giá của Ðoàn giám sát Ban Pháp chế HÐND tỉnh sau đợt giám sát việc quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp năm 2014, 2015 vào tháng 9.2015 tại các Sở: Nội vụ, GD&ÐT, Y tế, NN&PTNT, VH- TT&DL, UBND hai huyện Phù Mỹ và Tây Sơn.
Biên chế ngành GD&ĐT: Khó nhiều bề
Lãnh đạo của UBND huyện Tây Sơn và UBND huyện Phù Mỹ nhìn nhận: Hiện tại, công tác bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên ở các trường tiểu học và THCS còn thiếu đồng bộ. Có trường tỉ lệ giáo viên so với lớp vượt quy định, ngược lại có trường thiếu. Một số bộ phận viên chức lớn tuổi, trình độ tin học, ngoại ngữ còn hạn chế chưa kịp theo yêu cầu phát triển. Một số ít người sau khi được tuyển dụng dù đủ bằng cấp chuyên môn nhưng thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa có tính chuyên nghiệp nên thiếu khả năng độc lập, quyết đoán trong giải quyết công việc, thụ động trong thực thi các nhiệm vụ. Vì vậy, hiệu quả đào tạo chưa cao, còn hiện tượng chạy theo bằng cấp để chuẩn hóa nên chất lượng sau đào tạo còn hạn chế.
Với vai trò là người đứng đầu ngành GD&ĐT, ông Trần Đức Minh, Giám đốc Sở, cũng cho rằng hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý. Đó là tình trạng chưa thể sử dụng đủ biên chế được giao ở các đơn vị xuất phát từ thực tế hàng năm ở các trường luôn có sự biến động về số lượng học sinh, số lớp học, dẫn đến lượng giáo viên cần để dạy theo quy định có thể thừa hoặc thiếu. Thêm nữa, một số giáo viên đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, chuyển công tác, thôi việc trong thời gian chưa tổ chức tuyển dụng nên chưa thể sử dụng hết biên chế; trong khi một số vị trí như nhân viên thiết bị, thí nghiệm, giáo viên công nghệ lý, giáo viên công nghệ sinh, giáo viên dạy nghề lại không có nguồn tuyển. Ngoài ra, hiện nay một số vị trí vì có chưa quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp như giáo vụ, quản lý học sinh, kỹ thuật công nghệ thông tin đã gây khó khăn trong việc tuyển dụng, sử dụng.
Việc sử dụng biên chế trong ngành GD&ĐT còn nơi thừa nơi thiếu xuất phát do sĩ số học sinh, lớp học biến động hàng năm.
- Trong ảnh: Giáo viên dạy lớp mẫu giáo ghép- học sinh là người dân tộc thiểu số ở huyện Vân Canh. Ảnh: THU HÀ
Bất cập trong tổ chức thi tuyển, sử dụng
Ông Phạm Hồng Sơn- Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát, đánh giá: Qua giám sát tại các đơn vị, địa phương thì việc bố trí sử dụng người làm việc theo vị trí việc làm cơ bản phù hợp theo hướng gắn với các tiêu chuẩn, tiêu chí về năng lực chuyên môn, trình độ đào tạo của đội ngũ viên chức. Hàng năm, đa số các đơn vị sự nghiệp đều tổ chức thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, phân loại viên chức, lấy kết quả, chất lượng hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ làm thước đo chủ yếu để đánh giá.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì việc quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp tại các đơn vị, địa phương vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập. “Như việc phân cấp công tác thi tuyển viên chức ở một số đơn vị, địa phương kéo dài. Cụ thể như ngành Y tế, biên chế của năm 2014 nhưng đến gần cuối năm 2015 vẫn chưa tổ chức thi tuyển; rồi tình trạng thừa thiếu biên chế ở một số lĩnh vực, nhất là giáo dục vẫn còn xảy ra. Quy trình lập bộ đề thi tuyển viên chức cho từng ngành còn lúng túng, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu nhiệm vụ. Cho đến nay, tỉnh vẫn chưa có chính sách xét tuyển đặc cách cũng như chính sách điều động nhân lực trình độ cao, thành tích cao”, ông Sơn nêu ý kiến.
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát, các đơn vị, địa phương cũng đã có những đề xuất, kiến nghị với tỉnh về việc bổ sung chỉ tiêu lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ. Cần xây dựng chính sách về xét đặc cách viên chức đối với một số lĩnh vực đặc thù; có cơ chế chính sách đãi ngộ thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao các ngành khác như ngành Y tế. Bên cạnh đó, các cấp thẩm quyền cần ban hành các quy định để kịp thời tổ chức thi nâng ngạch, chuyển ngạch đối với những viên chức sau khi hoàn thành nhiệm vụ học tập, xem xét giải quyết chế độ phụ cấp công vụ cho số giáo viên được điều động từ trường về công tác tại các phòng GD&ĐT. Các đơn vị, địa phương còn phản ánh công tác tuyển dụng viên chức sự nghiệp theo Quyết định 2700/QĐ-UBND ngày 14.8.2014 của UBND tỉnh kéo dài quá lâu gây khó khăn trong việc tuyển dụng.
Ông Phạm Hồng Sơn cho biết, qua giám sát, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã đề nghị các đơn vị, địa phương rà soát, sắp xếp lại việc quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp sao cho phù hợp; đồng thời sẽ tổng hợp kiến nghị đối với UBND tỉnh, Sở Nội vụ để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đề ra các biện pháp khắc phục hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp của tỉnh trong thời gian tới, nhằm giúp các đơn vị sự nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Theo Sở Nội vụ, đến ngày 31.8.2015 trên địa bàn tỉnh có 805 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó nhiều nhất thuộc về ngành GD&ÐT (644 đơn vị), y tế (29 đơn vị), VH-TT&DL (31 đơn vị), các sự nghiệp khác có 101 đơn vị. Tổng số biên chế sự nghiệp năm 2015 giữ nguyên như năm 2014 với dự kiến 30.120 biên chế để phân bổ, gồm: 21.419 biên chế trong ngành GD&ÐT, 6.093 biên chế ngành y tế, 628 biên chế ngành VH-TT-TT và các sự nghiệp khác: 1.574 biên chế, biên chế dự phòng: 406 biên chế.
NGUYỄN PHÚC