Ông Trần Châu, Giám đốc Sở GT-VT kiêm Chủ tịch Hội đồng Quỹ BTÐB tỉnh:
Dừng thu phí BTĐB mô tô, xe gắn máy là cần thiết và hợp lý
Chính phủ vừa có quyết định tạm dừng thu phí bảo trì đường bộ (BTÐB) đối với xe mô tô, xe gắn máy trên cả nước từ ngày 1.1.2016. Chủ trương này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân và chính quyền địa phương. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Trần Châu, Giám đốc Sở GT-VT kiêm Chủ tịch Hội đồng Quỹ BTÐT tỉnh, về vấn đề này.
● Ông đánh giá như thế nào về quyết định tạm dừng thu phí BTĐB của Chính phủ?
- Việc thu phí BTĐB đối với mô tô, xe gắn máy trên địa bàn tỉnh ta được triển khai từ ngày 1.10.2013. Để việc thực hiện diễn ra thuận lợi, Quỹ BTĐB tỉnh đã tổ chức hội nghị phổ biến, tập huấn, triển khai nội dung về quản lý bảo trì công trình đường bộ và hướng dẫn thực hiện thu phí BTĐB đối với mô tô, xe gắn máy trên địa bàn tỉnh cho lãnh đạo 11 huyện, thị xã, thành phố và 159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Hội đồng Quỹ BTĐB tỉnh cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, đảm trách việc theo dõi, chỉ đạo thu, quản lý, sử dụng phí đường bộ ở từng địa phương. Bài bản là vậy, nhưng đến nay, việc triển khai thu phí BTĐB gặp rất nhiều khó khăn; số tiền thu được rất thấp so với kế hoạch. Cụ thể, năm 2013, tổng số tiền thu phí BTĐB đối với mô tô, xe gắn máy là 1,62 tỉ đồng, đạt khoảng 10% so với dự toán. Trong năm 2014 thu được khoảng 13 tỉ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2015, chỉ thu được 1,7 tỉ đồng, đạt 15% kế hoạch. Riêng 2 huyện An Lão và Vân Canh chưa triển khai thực hiện việc thu phí BTĐB. Do đó, quyết định dừng thu phí BTĐB đối với xe máy là cần thiết và hợp lý, hợp tình nhằm bảo đảm sự công bằng cho người dân.
● Nhiều người dân cho rằng, dừng thu phí BTĐB thì phải trả lại cho người đã nộp phí trước đó để đảm bảo sự công bằng, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
- Đến nay, chưa có bất kỳ văn bản hoặc chủ trương nào từ cấp trên hướng dẫn, cho phép truy thu đối với các trường hợp chưa nộp phí BTĐB. Trong trường hợp có chủ trương cho truy thu, chúng tôi sẽ làm báo cáo gửi UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo. Việc làm thiết thực vào lúc này là tìm ra giải pháp để người nộp phí và cơ quan Nhà nước có sự đồng thuận, đảm bảo sự công bằng cho người dân. Từ lúc triển khai thu phí BTĐB đến nay, tổng số tiền thu được từ phí BTĐB đối với xe mô tô, gắn máy trên địa bàn tỉnh đạt rất thấp. Toàn bộ nguồn thu phí BTĐB đối với mô tô, xe gắn máy đều được cấp lại cho UBND các huyện, thị xã, thành phố tương ứng với số phí mà các địa phương này thu được, để phân bổ về cho UBND các xã đầu tư, xây dựng và bảo trì đường giao thông nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phân bổ cho UBND các xã, phường, thị trấn để bảo trì đường giao thông địa phương, phục vụ nhu cầu đi lại cho bà con nơi đó.
● Theo ông, sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, liệu rằng, việc thu phí BTĐB có được đảm bảo từ nay đến cuối năm 2015?
- Có thể số tiền thu được ở quãng thời gian còn lại so với lúc chưa có quyết định tạm ngưng từ Chính phủ sẽ giảm. Thậm chí, có địa phương không có “động lực” triển khai; ý thức chấp hành của người dân sẽ hạn chế. Tuy nhiên, để công tác thu phí giao thông đường bộ trong chặng đường cuối đạt hiệu quả, chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ chủ trương của việc thu phí giao thông đường bộ, Hội đồng Quỹ BTĐB tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ra chỉ thị cho các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thu phí mô tô, xe gắn máy một cách đồng bộ ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh có chế tài xử phạt đối với các trường hợp chây ì, không chấp hành nộp phí theo chủ trương của Nhà nước.
● Xin cảm ơn ông!
+ Ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh: Hiện nay, việc thu phí phụ thuộc chủ yếu vào ý thức tự giác của người dân con số đó còn quá ít; việc triển khai thu phí tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Mặt khác, có sự di chuyển của một bộ phận lớn người dân làm việc và học tập ngoài tỉnh, mang theo xe máy nên có sự chênh lệch giữa kê khai thực tế và số liệu đăng ký trên địa bàn, dẫn đến khâu lập kế hoạch thu chưa chính xác.
+ Ông Phạm Ngọc Bảo, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn: Việc thực hiện nộp phí BTĐB của người dân ở xã thời gian qua khá chặt chẽ. Tuy nhiên, đại bộ phận người dân không ủng hộ gây phiền phức cho các cán bộ thực thi công vụ. Việc Chính phủ tạm dừng việc thu phí BTĐT từ ngày 1.1.2016 là hợp lý, có sự cân nhắc, tạo sự đồng thuận cho bà con.
TRỌNG LỢI (thực hiện)
Dư luận cả nước có ý kiến rồi thì Ông mới có nhận xét là vấn đề này là đúng đắn? Chưa biết trách nhiệm và vai trò Chủ Tịch Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh thể hiện như thế nào?