Thực hiện Đề án phát triển văn hóa nông thôn: Đã có sự đổi thay tích cực
Thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ ban hành cách đây 5 năm, nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực triển khai hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực đời sống nông thôn.
Góp phần quan trọng phát triển đời sống
Xã Tam Quan Bắc là một trong những điểm sáng trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) ở khu dân cư ở huyện Hoài Nhơn. Được sự lãnh đạo của Đảng ủy, UBND xã luôn quan tâm phát triển kinh tế gắn với nâng cao đời sống văn hóa. Cùng với việc phát triển ngành nghề, tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân, xã đã đầu tư hỗ trợ các thôn xây dựng thiết chế văn hóa. Đến nay, bên cạnh Trung tâm Văn hóa - Thể thao xây dựng khang trang, xã còn hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà văn hóa - khu thể thao ở 10 thôn đạt chuẩn. Nhờ xây dựng cơ sở hoạt động văn hóa, xã thực hiện tốt các hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống, như thành lập CLB bài chòi cổ và ra mắt tổ chức nhiều hội đánh bài chòi từ đầu năm 2015, thu hút đông đảo người dân tham gia. Ông Từ Văn Minh, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết: “Hiện nay, hệ thống các trường tiểu học, mẫu giáo, mầm non bán trú cơ sở vật chất được xây dựng khang trang từ nguồn vốn ngân sách xã trên 4,4 tỉ đồng. Công tác an sinh xã hội ở địa phương được chú trọng, số hộ nghèo hiện giảm còn 3,68%”.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, xã Tam Quan Bắc đã có sự quan tâm bảo tồn văn hóa truyền thống.
- Trong ảnh: Lễ ra mắt CLB bài chòi cổ dân gian xã Tam Quan Bắc vào tháng 1.2015.
Thực hiện phát triển văn hóa nông thôn cũng đã đem đến những đổi thay mạnh mẽ ở nhiều xã ở các huyện miền núi trong tỉnh. Tiêu biểu như ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh, phong trào xã hội hóa trong phát triển giao thông nông thôn nhận được sự đồng tình hưởng ứng của người dân trong việc đóng góp kinh phí, ngày công. Từ năm 2012 đến nay, xã Vĩnh Thịnh đã bê tông hóa được 18,5 km đường liên thôn, làng; trong đó phần đóng góp từ nhân dân hơn 7 tỉ đồng. Hằng năm, Ban chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH xã phát động thi đua yêu nước để thực hiện các phong trào, thi đua làm kinh tế giỏi, thực hiện nhân đạo từ thiện, xóa đói giảm nghèo. Kết quả, trong 5 năm qua tỉ lệ hộ nghèo của xã đã giảm 26,18%. Qua các hội nghị biểu dương gương “Người tốt việc tốt” của xã, đã có 97 tập thể và 158 cá nhân được khen thưởng trong 5 năm.
Tại xã An Tân, huyện An Lão, nhờ thực hiện tốt các nội dung của cuộc vận động TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Bà Bùi Thị Lan, Phó Chủ tịch UBND xã An Tân, dẫn chứng về nhiều đổi thay tích cực: Số hộ kinh tế khá giả ngày càng tăng, tỉ lệ hộ nghèo hằng năm giảm trên 4%, hiện trên địa bàn xã không còn hộ đói. Số hộ có nhà kiên cố, bán kiên cố chiếm trên 80%; số hộ có nhà tắm và hố xí hợp vệ sinh đạt 95%. Đường làng ngõ xóm được xây dựng bằng bê tông sạch đẹp; tỉ lệ hộ đạt gia đình văn hóa hằng năm chiếm từ 85% trở lên…
Khơi dậy tiềm năng trong dân
Thực hiện chỉ đạo về xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, ngày 28.3.2014 xã Tam Quan Bắc được UBND tỉnh công nhận xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới và được Chính phủ tặng cờ thi đua. Ông Từ Văn Minh chia sẻ kinh nghiệm: “Xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng để thường xuyên nghiên cứu đổi mới phương thức lãnh đạo phù hợp với thực tiễn. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm của người dân… Qua đó, khơi dậy tiềm năng trong nhân dân từ nhận thức vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới. Trục đường liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đường liên xóm, kênh mương nội đồng từ nguồn ngân sách xã và huy động đóng góp của nhân dân hơn 10 tỉ đồng”.
Xã An Tân (An Lão) luôn phát huy ý thức chủ động, tích cực và vai trò tự quản của cộng đồng. Thông qua việc triển khai thực hiện các phong trào, quy chế ở dân chủ ngày càng được phát huy. “Việc thực hiện tốt các quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện các phong trào. Bên cạnh đó, vai trò của ban vận động ở các thôn là vô cùng quan trọng, làm nòng cốt cho việc tự quản của cộng đồng. Đây là lực lượng ở gần dân, sát dân để lắng nghe mọi tâm tư, nguyện vọng và có những giải pháp kịp thời…”, bà Bùi Thị Lan nhấn mạnh.
Cũng như các địa phương nêu trên, Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH xã Vĩnh Thịnh cũng đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhận được sự đồng thuận cao để góp phần hình thành các cộng đồng tự quản một cách tự giác, cùng chung tay thực hiện hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo...
HOÀI THU