Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND: Giám sát việc bảo vệ và phát triển rừng ở huyện Hoài Ân
(BĐ)- Sáng ngày 6.10, tại xã Bok Tới (Hoài Ân), Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh do ông Đinh Yang King, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Hoài Ân về tình hình và kết quả thực hiện các chính sách bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện từ năm 2010 đến 2014.
Báo cáo của UBND huyện Hoài Ân và xã Bok Tới cho thấy, chính quyền các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác BV&PTR, trong đó đáng chú ý là đã có gần 7.000 ha rừng đã được giao khoán cho dân quản lý, bảo vệ (riêng xã Bok Tới đã giao khoán cho dân quản lý bảo vệ trên 2.114 ha rừng), với định mức 200.000 đồng/ha/năm, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, ngành chức năng của huyện cũng đã đẩy mạnh công tác tuần tra, truy quét và xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm Luật BV&PTR. Từ năm 2010 đến năm 2014, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 235 vụ phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp diện tích trên 280 ha (xã Bok Tới 165 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại trên 201 ha). Nhờ đó đã hạn chế được tình trạng khai thác gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Tuy vậy, khách quan nhìn nhận tình trạng phá rừng, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép; lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Hoài Ân nói chung, xã Bok Tới nói riêng còn diễn biến phức tạp.
Tại buổi làm việc, theo yêu cầu của các thành viên Đoàn Giám sát, lãnh đạo huyện Hoài Ân, ngành chức năng của huyện và UBND xã Bok Tới đã giải thích rõ về các nguyên nhân và biện pháp xử lý, khắc phục diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị phá, lấn chiếm.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Đinh Yang King đánh giá cao kết quả thực hiện các chính sách BV&PTR ở miền núi, vùng đồng bào DTTS tại huyện Hoài Ân nói chung và xã Bok Tới nói riêng, đồng thời đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách BV&PTR gắn với chính sách giảm nghèo; hỗ trợ đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, nhằm hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, góp phần giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người dân.
T.SỸ