“Hãy cho tôi rác”
Mấy ngày gần đây, tại Quảng trường Trung tâm tỉnh và dọc theo đường Xuân Diệu ven biển ở TP Quy Nhơn đã xuất hiện một “vật” mới: những thùng rác hình chim cánh cụt đang há mỏ với yêu cầu “Hãy cho tôi rác” rất thân thiện với môi trường. Người dân Quy Nhơn hoan nghênh việc làm này của cơ quan chức năng. Môi trường biển Quy Nhơn thời gian gần đây đã được cải thiện rất nhiều, sạch sẽ, thoáng đãng, cung ứng nhiều dịch vụ, đang dần trả lại nơi vui chơi, rèn luyện sức khỏe, giải trí, thư giãn của người dân và thu hút khách du lịch các nơi.
Việc đặt các thùng rác thân thiện và thẩm mỹ này không mới và lý ra phải làm từ lâu đối với thành phố. Cách đây hơn 40 năm, trước giải phóng, tôi rất ấn tượng với việc thị xã Quy Nhơn cũng cho đúc và đặt những thùng rác được xây bằng xi măng, hình gốc cây cổ thụ, để hở miệng với câu “Xin cho tôi rác”.
Ý thức giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường trong sạch là trách nhiệm của mọi người, chứ không phải của riêng cơ quan chức năng. Tuy nhiên, để có ý thức như thế, ngoài việc tạo điều kiện thực hiện về vật chất (đặt thùng rác ở nơi cần thiết), còn phải hình thành thói quen bỏ rác vào thùng rác đúng nơi quy định cho mọi người. Mà việc này không phải chỉ ngày một ngày hai mà có được. Và cần phải có cơ chế (như tuyên truyền, nhắc nhở hay xử phạt) để hành vi văn minh này thành thói quen, ý thức thường trực ở mọi người.
Do vậy, cơ quan chức năng cần phải có kế hoạch tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra và xử phạt nếu cần thiết, để mọi người có thói quen, ý thức thực hiện nếp sống văn minh nơi đô thị. Chứ nếu không, e rằng, mặc dù thùng rác được bố trí ngay bên cạnh, người ta vẫn thải rác ngay quanh đó. Và không khéo, các thùng rác đẹp, thân thiện như thế, với chất liệu sắt và nhựa, một ngày nào đó sẽ thành phế liệu bán cho các bà đồng nát. Rồi đâu lại vào đấy!
Văn minh đô thị, nên bắt đầu từ việc nhỏ, với “Hãy cho tôi rác”!
K.X