Chương trình giảm nghèo 2011 - 2015: Lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu
Qua 5 năm, các chủ trương, chính sách hỗ trợ người nghèo, vùng đặc biệt khó khăn được lồng ghép hiệu quả đã từng bước thực hiện mục tiêu phát triển bền vững gắn với an sinh xã hội của tỉnh nhà.
Người nghèo trên địa bàn tỉnh ta đang được hưởng 2 nhóm chính sách: chính sách giảm nghèo chung và các dự án, chính sách giảm nghèo đặc thù. Các chính sách giảm nghèo chung gồm: tín dụng ưu đãi; giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; đào tạo nghề lao động nông thôn; hỗ trợ giáo dục; hỗ trợ nhà ở; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ khuyến công… Chính sách giảm nghèo cho vùng đặc thù gồm: hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững theo Nghị quyết 30a cho các huyện nghèo. Và một số chương trình mục tiêu khác, như: phát triển kinh tế, xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào thiểu số (Chương trình 135 giai đoạn III); hỗ trợ đất ở, nước sinh hoạt và chuyển đổi nghề (Chương trình 134); dự án định canh định cư, quy hoạch lại dân cư; Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Việc lồng ghép các dự án, chính sách này một cách có hiệu quả góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của người nghèo, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư trên địa bàn.
Qua 5 năm (2001-2015), tổng nguồn vốn huy động phục vụ chương trình giảm nghèo của tỉnh trên 7.488 tỉ đồng. Cùng với đó, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2014 còn 8,1%, phấn đấu vượt chỉ tiêu đề ra vào cuối năm 2015 (7,97%). Đời sống người nghèo được nâng lên khi tiếp cận với các chính sách hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề và các dịch vụ xã hội. Một bộ phận lớn người dân ở vùng sâu, vùng xa đã được hỗ trợ Bảo hiểm y tế; học sinh nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ gạo, chi phí học tập. Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, 1.656 trường hợp được hỗ trợ theo Chương trình 167; 701 trường hợp được hỗ trợ từ nguồn huy động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh. 91,1% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Thông qua lồng ghép các chính sách hỗ trợ, người dân ở 3 huyện nghèo cũng được thụ hưởng nhiều chính sách cải thiện đời sống. Giai đoạn 2011 - 2015, 117 công trình giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện, trạm y tế, nước sinh hoạt được xây dựng mới theo Chương trình Nghị quyết 30a; nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp như: chính sách phát triển rừng, hỗ trợ cây, con, giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao, hỗ trợ gạo, xuất khẩu lao động. Đời sống người dân vùng cao đã đổi thay rõ rệt. Tỉ lệ hộ nghèo của 3 huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão đến năm 2014 là 41,46% (năm 2010 là 61,29%).
“Cùng với việc huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào công tác giảm nghèo; việc quản lý và chỉ đạo lồng ghép các chương trình, dự án, đa dạng hóa các nguồn lực là bài học kinh nghiệm quý giá, sẽ tiếp tục được phát huy trong giai đoạn sắp tới. Mục tiêu tổng quát đến năm 2020 của tỉnh ta vẫn là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vì người nghèo, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, cải thiện chất lượng cuộc sống người nghèo; đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, củng cố thành quả của công cuộc giảm nghèo, hạn chế tái nghèo”, ông Phan Đình Hòa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, nhấn mạnh.
NGUYỄN MUỘI