Cho tài sản rồi đòi lại: Thả mồi bắt bóng?
Một số trường hợp cha mẹ đã đồng ý cho con tài sản (thường là bất động sản), vì nghĩ cuộc sống luôn như mình đã định ra. Khi có sự cố, họ muốn đòi lại tài sản mình đã cho, nhưng liệu có dễ đòi lại?
Đổi thay bất ngờ
Ngày chồng còn sống, bà Năm Thương (76 tuổi, ở KV8, phường Ngô Mây, Quy Nhơn) cùng chồng ký giấy cho ngôi nhà của mình đang ở cho vợ chồng người con trai đang sống cùng dưới sự đồng tình của những người khác. Cách đây 5 năm, chồng bà mất cũng là lúc cuộc hôn nhân của người con trai xuất hiện mâu thuẫn. 2 năm trước, người con trai chết đột ngột vì TNGT thì mối quan hệ mẹ chồng- nàng dâu xấu đi trông thấy. Nàng dâu nói bóng gió xa xôi muốn bán ngôi nhà ở mặt phố đang ở để mua một ngôi nhà trong hẻm, để lấy vốn làm ăn, nuôi con.
Từ địa vị chủ nhà giờ bà Thương chẳng khác nào người đi ở nhờ. Đi đứng ké né, thậm chí khách họ hàng đến chơi bà cũng chẳng dám tiếp lâu sợ con dâu khó chịu. “Nhà lỡ cho rồi, giấy tờ đứng tên nó, giờ tôi không biết phải làm sao, lúc nào cũng nơm nớp bị đuổi ra khỏi nhà. Nó mà bán nhà, tôi chỉ có nước chết”, bà Năm Thương than thở.
Cách đây chưa lâu, TAND tỉnh đã đưa ra xét xử một vụ án mẹ chồng kiện đòi hưởng di sản thừa kế của con trai. Hoàn cảnh của bà mẹ chồng này cũng tương tự như bà Năm Thương. Sau khi người con trai đột ngột qua đời, người con dâu không những hỗn hào mà còn thẳng tay đuổi mẹ chồng ra khỏi nhà vì “đây đã là nhà của tôi, tôi muốn làm gì thì làm. Muốn cho ai ở là quyền của tôi”, con dâu tuyên bố. Ở tuổi thất thập, bà mẹ chồng bất đắc dĩ phải khởi kiện đòi được hưởng một phần di sản thừa kế của người con trai đã mất. Chỉ còn có cách ấy thì bà mới được quyền sống tiếp trong ngôi nhà của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu.
Nên cho trước hay lập di chúc?
Đây là băn khoăn của không ít người lớn tuổi muốn thu xếp việc chia tài sản cho con cái khi mình còn đủ minh mẫn; đồng thời tránh được việc con cái kiện tụng đòi chia chác tài sản khi mình qua đời. Tuy nhiên, trước những biến cố bất ngờ và sự đổi thay của lòng người, thì khó dự lường hết mọi chuyện.
Một kiểm sát viên chuyên phụ trách mảng án dân sự Viện KSND tỉnh cho hay, có trường hợp cha mẹ đã cẩn thận ràng buộc trách nhiệm của con với điều kiện “phải chăm sóc cha mẹ chu đáo, hiếu thuận”; hoặc “vợ chồng không được ly hôn” khi cho nhà, đất. Tuy nhiên, ngay cả khi những ràng buộc này được thể hiện rõ trong hợp đồng tặng, cho nhà đất hoặc trong di chúc thì việc đòi lại tài sản cũng chẳng dễ dàng, thậm chí là không được.
Vị này đơn cử: “Cách đây không lâu, tôi đã xử một trường hợp như thế. Khi thấy vợ chồng con trai đối xử với mình không như ý, phần bị các con khác nói thêm vào, người mẹ kiện đòi lại nhà đã cho vợ chồng người con trai với lý do con trai không chăm sóc, hiếu thảo như cam kết trong hợp đồng cho tài sản. Người con nói tôi đâu có bỏ mẹ, ốm đau thì chở đi bác sĩ, thuốc thang. Xung đột trong gia đình, nhất là giữa hai thế hệ già - trẻ vẫn thường xảy ra, nên khó mà phân định thế nào là không chăm sóc chu đáo, hiếu thuận. Không chứng minh được điều này thì khó đòi lại tài sản”.
Để tránh những trường hợp lỡ cho rồi không đòi lại được, không ít người chọn cách “án binh bất động, xem con cái thế nào”. Như vợ chồng ông N.V.H (75 tuổi, nhà ở đường Lý Thường Kiệt, Quy Nhơn) sở hữu 3-4 ngôi nhà mặt tiền, khi con lập gia đình, họ đều giao cho con một căn để ra riêng, tự lập nhưng chỉ cho ở chứ không làm thủ tục sang tên gì cả. Ông H. bày tỏ quan điểm: “Tôi dặn các con cứ sống đàng hoàng, anh em hiếu thuận, rồi đứa nào sẽ có phần đứa đó. Tôi sợ con thiếu chín chắn, đem nhà thế chấp làm liều; vả lại, từ bài học chua xót của một số bạn bè, tôi không muốn đi theo vết xe đổ của họ”.
Trong khi viết bài này, tôi đã tham vấn một số thẩm phán, luật sư và họ đưa ra quan điểm trái ngược. Có người cho rằng nếu hoàn toàn tin tưởng vào con mình, cha mẹ có thể giao tài sản để con cái chủ động quyết định việc làm ăn, để con có trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, từ thực tế xét xử, một số thẩm phán lại khuyên rằng cách tốt nhất nên lập di chúc, phòng khi gặp “sự cố”, cha mẹ vẫn kịp thời thay đổi quyền định đoạt tài sản, tránh được sự phiền toái, nhiêu khê từ việc lỡ cho rồi khó đòi lại.
NGUYỄN NAM