Tình trạng “mua quan, bán chức” nên được bàn trong Đại hội Đảng
Ông Lê Truyền: Nếu “mua quan, bán chức”, buôn bán quyền lực xảy ra, nó sẽ kéo theo nhiều hậu quả làm suy yếu hệ thống công chức. Phải làm rõ việc này trong Trung ương khóa tới.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XII, ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng khóa XII, dân phải được tham gia góp ý trong quá trình chuẩn bị.
Nên để dân tham gia trong quá trình chuẩn bị nhân sự Trung ương
“Theo tôi, nếu trong quá trình chuẩn bị nhân sự mà dân không được tham gia, góp ý thì như thế đã đủ chưa?. Nếu bầu xong, sắp tới giới thiệu Đại biểu Quốc hội, Mặt trận lại giới thiệu trên cơ sở kết quả Đại hội Đảng thì những người được bầu ở Đại hội Đảng tiếp tục được bầu vào Quốc hội thì việc hiệp thương dân chủ của Mặt trận không được đánh giá đúng ý nghĩa của nó”- ông Lê Truyền nói.
Theo ông Lê Truyền, trong dự thảo Văn kiện lần này chưa tìm thấy nhiều nội dung mới mang tính đột phá. “Những vấn mới cũng có, nhưng mang tính đột phá như những Đại hội X, XI thì ở dự thảo lần này chưa có. Trong muc tiêu nói về động lực của sự phát triển xã hội, lâu nay chúng ta vẫn nói có rất nhiều động lực nhưng kỳ này đưa động lực vào mục tiêu thì cũng chưa rõ lắm. Đại hội X, XI nói về vai trò của Mặt trận trong phát huy các động lực thì đến lần này nội dung vẫn thế, không có sự đổi mới. Nói các yếu tố mới nhưng nhận thức ở bên trong động lực là gì mới là việc cần thiết”.
Trong dự thảo Văn kiện đề cập tới vấn đề tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phát huy dân chủ, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội và tội phạm. Ông Lê Truyền cũng nhấn mạnh rằng, việc xây dựng nhà nước pháp quyền là cực kỳ hệ trọng.
“Trong báo cáo có nhận định những hạn chế khuyết điểm có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc xây dựng Nhà nước pháp quyền là vấn đề mới, sự phân định giữa vai trò của Đảng và vai trò điều hành của Nhà nước còn những nội dung chưa rõ, phương thức và cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước chưa thỏa đáng…. Xung quanh việc này, nếu xây dựng Nhà nước nếu nói là mới thì cũng đúng. Nhưng vì là mới để chưa làm được tốt thì tôi thấy không phải. Cũng đã làm nhiều năm rồi chứ không phải là mới nữa, mà quan trọng nhất là phân quyền như thế nào. Phân quyền ở đây gắn liền với việc kiểm soát quyền lực. Nếu kiểm soát quyền lực không được thì nó sẽ dẫn đến những thiếu sót, khuyết điểm và nhiều hậu quả trầm trọng hơn”- ông Lê Truyền trăn trở.
Phải đặt chống tham nhũng là một việc cực kỳ quan trọng
Theo ông Truyền, hiện tại có rất nhiều biểu hiện nhận thức không đúng về quyền lực. Nếu quyền lực hiểu sâu xa là quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân ủy quyền cho những người nắm quyền đại diện cho nhân dân. Nhưng khi đã nắm quyền, nhiều người lại biến quyền đó là của mình và gắn quyền đó với lực lượng có tiền. Quyền và tiền đã làm nhiễu loạn sức mạnh của tổ chức. Kiểm soát quyền lực phải đặt lên hàng đầu trong việc xây dựng Nhà nước và lãnh đạo Đảng đối với Nhà nước.
“Nói về hiện tượng thì có nhiều, nhưng tôi chỉ nói đến một mức gọi là “chạy chức, chạy quyền”. Nhưng giờ đây “chạy chức, chạy quyền” đã nhân thêm một bước nữa, đó là buôn bán quyền lực. Nếu buôn bán quyền lực xảy ra, nó sẽ kéo theo nhiều hậu quả làm suy yếu hệ thống công chức. Phải làm rõ việc này và phải hình sự hóa các tội phạm tham nhũng. Phải đặt việc chống tham nhũng là một việc cực kỳ quan trọng của Trung ương lần này, vì nếu không kiểm soát được quyền lực thì tất cả những khuyết điểm và mong muốn khắc phục sẽ không bao giờ làm được”- ông Lê Truyền nói.
Ông Lê Truyền cho rằng, trong dự thảo báo cáo có nêu nhận định, Đảng ta đã chậm đổi mới tư duy về công tác xây dựng Đảng trong điều kiện mới. Nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc, có mặt chưa rõ, chưa thống nhất một số vấn đề quan trọng ở tầm quan điểm, chủ trương. Tuy nhiên đây mới chỉ là nêu ra vấn đề chứ chưa có lời giải đáp.
“Cũng phải thừa nhận hiện nay có quá nhiều vấn đề, nếu đi vào giải đáp được những quan điểm, chủ trương của Đảng thì cũng rất khó. Nói như thế để thấy rằng nhận định này là đúng, nhưng nhận định này là gì? Theo tôi, ở Đại hội Đảng lần này phải làm rõ được vấn đề này. Phải thống nhất được các vấn đề về quan điểm và chủ trương của Đảng”- ông Truyền nói.
Ông Truyền cũng quan tâm về vấn đề Đảng đối với dân được nêu trong dự thảo văn kiện. “Chúng ta nói chưa gần dân và đã kiểm điểm rất nhiều lần nhưng vẫn chưa làm tốt. Tôi nghĩ bây giờ phải lắng nghe và phải thật lòng với dân, nói đi đôi với làm, không lãng phí và phải trung thực. Những đòi hỏi bản chất đó phải bằng sự gương mẫu của chính đội ngũ cán bộ Đảng viên khi tiếp xúc với dân. Tự Đảng phải kiểm điểm, đánh giá và đề cao vai trò gương mẫu của mình trước nhân dân là những yếu tố cần thiết để dân tin và dân lắng nghe”.
Theo Minh Hòa (VOV)