Dấu ấn nhiệm kỳ
Duyên phận của nghề làm báo đã cho tôi được sống, gắn bó nhiều năm với Bình Định và hạnh phúc hơn khi được chứng kiến qua bốn kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, trong khoảng thời gian 20 năm, biết bao đổi thay vượt bậc của một vùng đất, tạo nên những dấu ấn neo cùng năm tháng…
1. Phát triển là quá trình tiếp nối liền mạch. Trên cơ sở nền tảng, tiền đề của những nhiệm kỳ trước, trong khung thời gian 5 năm của một nhiệm kỳ, hẳn sẽ có rất nhiều việc phải làm, cần làm. Nhưng để chọn trúng vấn đề nhằm tạo bước đột phá thì lại không đơn giản…
Bình Định những năm đầu 2000 vẫn nằm trong nhóm những tỉnh phát triển tương đối chậm ở khu vực miền Trung. Một trong những nguyên nhân chính là cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông, còn hạn chế, khó khăn. Không chỉ ở các huyện miền núi, mà ngay nhiều huyện đồng bằng thậm chí cả TP Quy Nhơn, một số khu vực giao thông cũng còn cách trở. Tiếng là đô thị loại ba rồi sau đó là loại hai, nhưng cơ sở hạ tầng cũng chỉ như mới vừa bước ra từ “cái áo” thị xã… Đây là trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh. Thực trạng thì dễ thấy, nhưng để tháo gỡ thì quả không dễ chút nào, bởi nhu cầu vốn đầu tư cho giao thông rất lớn, trong khi ngân sách tỉnh vẫn còn eo hẹp.
Để giải bài toán khó này, Bình Định thực hiện cơ chế huy động vốn linh hoạt, khai thác từ nhiều nguồn, nhiều kênh; và tùy từng dự án, từng thời điểm mà định ra phương thức gọi vốn thích hợp. Điều đáng nói trong cách làm ở Bình Định là cùng với việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống tỉnh lộ, đẩy mạnh phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn, mỗi năm tỉnh chọn một dự án trọng điểm mang tính đột phá để tập trung triển khai. Khởi đầu là công trình tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu (nay là tuyến quốc lộ 1D) dài hơn 33km chạy dọc bờ biển, nối hai tỉnh Bình Định - Phú Yên, hoàn thành trong năm 2001. Công trình này phá thế độc đạo của TP Quy Nhơn, tạo tiền đề mới phát triển cho đô thị trung tâm tỉnh. Tiếp đến, năm 2002 - năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI - điểm đột phá được chọn là tuyến cầu, đường Quy Nhơn - Nhơn Hội, trong đó có cầu vượt đầm Thị Nại (nay là cầu Thị Nại) dài gần 3km, mở hướng phát triển cho cả một không gian có diện tích hàng chục ngàn héc ta trên bán đảo Phương Mai. Trên cái đà ấy, tháng 3.2003, Bình Định lại khởi công tuyến đường ven biển Nhơn Hội - Tam Quan dài 110 km - có thể xem là tuyến giao thông huyết mạch thứ hai của tỉnh sau Quốc lộ 1A. Tiếp đó, năm 2007 - năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tỉnh quyết tâm đầu tư xây dựng tuyến đường phía Tây tỉnh, dài trên 120 km đi qua nhiều xã thuộc các huyện trung du, miền núi…
Vậy đó, chiến lược phát triển giao thông của Bình Định trong các nhiệm kỳ vừa qua tỏa ra theo trên hai hướng: Ở phía Tây, lấy các huyện miền núi làm trục chính; còn phía Đông phát triển tuyến đường ven biển chạy dọc suốt chiều dài của tỉnh. Đánh giá một cách tổng quát, việc tập trung đầu tư vào hạ tầng giao thông của Bình Định là một trong những chương trình thành công nhất trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiều nhiệm kỳ qua.
Các công trình ấy là kết quả của sự đồng thuận và nỗ lực cao của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Và không ít trong đó, mang dấu ấn của sự sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các lãnh đạo tỉnh ở mỗi nhiệm kỳ. Nhiều người vẫn nói, những công trình trọng điểm như Quy Nhơn - Sông Cầu, Quy Nhơn - Nhơn Hội, rồi đường ven biển, đường phía Tây tỉnh… có thể xem như điểm gặp giữa cái tâm, cái tầm của người lãnh đạo và tài năng của các nhà chuyên môn.
Tôi đã từng vượt qua những “cổng trời” để đến các xã vùng cao An Toàn (huyện An Lão), Canh Liên (huyện Vân Canh), hay lội qua “ba đèo bốn động” về Cát Hải (huyện Phù Cát) để càng thấm hơn tiếng cười rộn ràng của trẻ thơ, giọt nước mắt hạnh phúc của người già nơi đây trong ngày hội khánh thành những cây cầu, tuyến đường. Và trên những công trình “vị dân sinh” ấy, những thôn làng xa xôi, những làng chài khuất nẻo bỗng trở nên gần hơn trong cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này. Vẫn biết, bản thân những con đường không làm nên tất cả, nhưng với Bình Định - một địa phương có trên 80% dân số sống ở nông thôn – và khi nhìn vào lĩnh vực kinh tế nào cũng thấy nhiều điều chưa thể tự bằng lòng, thì khởi sự từ những con đường thể hiện tầm nhìn xa, đi trước một bước. Có đường sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành Chương trình phủ điện lưới Quốc gia vùng nông thôn, vùng núi của tỉnh. Nhờ vậy, Bình Định trở thành tỉnh thứ ba trong khu vực sau Đà Nẵng, Khánh Hòa về đích sớm với 95% số hộ được dùng điện; 100% số xã có điện lưới. Ở đâu có điện, có đường, cuộc sống người dân ở đó dần chuyển sang trang mới. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, trở nên thuận lợi hơn; có đường giao thương mở hướng phát triển sản xuất hàng hóa; những thế mạnh vốn có của các địa phương được khai thác để thành lực đẩy cho sự phát triển…
Chắc hẳn, theo thời gian, trên quê hương Bình Định rồi đây sẽ có thêm nhiều công trình, trên nhiều lĩnh vực, to lớn hơn, hiện đại hơn, nhưng những công trình mang tính “vạn sự khởi đầu nan” ấy sẽ mãi ghi dấu cùng năm tháng. Từ trong gian khó, Bình Định từng bước đi lên và chúng tôi càng thấy tâm đắc với suy nghĩ của đồng chí Tô Tử Thanh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy: Phải làm nhiều hơn, quyết liệt hơn, để tạo nên những bước đột phá cần thiết. Nhưng đó phải là những bước đi và cách làm phù hợp từng thời điểm…
2. Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh nêu rõ: “Qua 5 năm triển khai Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh, nền kinh tế của tỉnh đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng đã đạt và vượt mức Nghị quyết đề ra…”. Để có được đánh giá tổng quát không thể súc tích hơn ấy, chúng ta hiểu đằng sau đó là cả một sự đồng thuận, nỗ lực vượt bậc của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước đứng trước những khó khăn, thách thức cực lớn. Không chỉ trụ vững, vượt qua, Bình Định tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu, kết quả đáng phấn khởi trên nhiều lĩnh vực đời sống. Sản xuất công nghiệp có bước phục hồi và duy trì mức tăng trưởng; sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, dịch vụ tăng trưởng cao…
Mỗi dịp về Quy Nhơn, tôi lại qua cầu Thị Nại, đảo một vòng Khu kinh tế Nhơn Hội, mà thấy trong mình dường vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc ngày khánh thành công trình này. Thấm thoát vậy mà loáng cái, Khu kinh tế Nhơn Hội đã bước vào năm thứ 10! Dẫu không muốn nhưng cũng phải thừa nhận sự phát triển của nó thật chậm. Nhìn thuần túy về kinh tế, cả khoảng thời gian dài là vậy, nhưng Khu kinh tế này chỉ mới thu hút được chưa đến dăm chục doanh nghiệp, với tổng vốn đầu tư quy ra chưa được 1 tỉ USD. Quả có điều gì đó chưa ổn và cần nhìn lại. Nhưng rồi, tôi lại có cơ sở để tự phản biện lại chính mình. Đó là khi nghĩ về TP Quy Nhơn chỉ thực sự “thay da đổi thịt” và phát triển từ khi có tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu và nhất là khi có cầu Thị Nại và Khu kinh tế Nhơn Hội. Những công trình trên ra đời là những cú hích lớn, nâng chiều kích, vị thế của Quy Nhơn lên một bậc. Không gian đô thị của thành phố được mở rộng, bề thế hơn, vươn dài về phía Nam, phía Bắc, mở những hướng phát triển mới với cảnh quan đô thị ngày càng đẹp và đa dạng hơn. Đặc biệt hơn, cư dân trên bán đảo Phương Mai rộng lớn, tiếng là dân Quy Nhơn, song trước đây do cách trở đò giang nên họ như sống ở vùng sâu, vùng xa. Nhưng nay thì họ đã thực sự đổi đời. Lý nữa, tôi lại tự hỏi, nếu Bình Định không có Khu kinh tế Nhơn Hội làm tiền đề thì liệu Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) có đặt vấn đề đầu tư Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Vitory?
3. Những ngày này đến Quy Nhơn, thành phố ngập trong không khí lễ hội, đường phố rợp cờ, hoa, biểu ngữ chào mừng Đại hội thứ XIX Đảng bộ tỉnh. Giữa cái rộn ràng, náo nức ấy ta vẫn bắt gặp đây đó trong câu chuyện không ồn ào của người dân mà hàm chứa niềm mong ước, hy vọng mang tên “Victory”. Có người nói vui nhưng ngẫm lại chẳng phải không có lý, rằng chẳng ai ngây thơ vội ca khúc “không xa đâu Victory”, nhưng chí ít, đến thời điểm này, nhờ dự án ấy mà số người “lên” Google để tìm hiểu về Bình Định bỗng tăng theo cấp số nhân! Trên hành trình phát triển của mình, Bình Định hôm nay quả đang thu hút sự quan tâm của dư luận, không chỉ của người dân trong tỉnh, trong nước mà nhiều quốc gia khu vực thậm chí lên cả truyền thông quốc tế từ những thông tin nóng quanh Dự án Victory.
Cần thẳng thắn rằng, ngay sau khi Dự án Victory được PTT đề xuất, và ngay cả cả thời điểm hiện nay, không ít ý kiến bày tỏ sự nghi ngờ đối với dự án bởi quy mô vốn đầu tư quá lớn, chưa kể hàng loạt vấn đề liên quan đến cung - cầu thị trường… Nhưng sau một thời gian nhận thấy nhà đầu tư quyết tâm theo đuổi, nghiên cứu đầu tư một cách bài bản, nghiêm túc, đặc biệt là sau khi có sự tham gia của Tập đoàn dầu mỏ Arabia Sandi - một doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hóa dầu - thì Bình Định có cơ sở để củng cố lòng tin vào nhà đầu tư. Được biết, hiện do biến động của giá dầu thô trên thế giới, dự án đang được các bên điều chỉnh lại về quy mô để có bước đi phù hợp, khả quan hơn. Sẽ còn quá sớm để nói gì đó về dự án này, nhưng cuộc sống nhiều khi chẳng có những lối rẽ bất ngờ đầy thú vị đấy sao…
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XIX được tổ chức từ ngày 14-16.10 tới - thời điểm mà cũng như các địa phương khác trong cả nước, Bình Định đang dồn sức chạy đua với thời gian để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2015 và 5 năm(2011-2015); đồng thời, tạo tiền đề phát triển cho năm đầu nhiệm kỳ mới. Nghị quyết đi vào cuộc sống, đến với người dân có thể bằng nhiều con đường, nhưng sự đánh giá về kết quả thì chỉ có một, hiển hiện ngay ở sự phát triển trên mọi phương diện của đời sống người dân. Thách thức mới và kỳ vọng mới đang mở ra cho người dân trong tỉnh, cùng với bao tin yêu, gửi gắm của đồng bào, đồng chí cả nước với Bình Định trước thềm một nhiệm kỳ mới!
MAI TRUNG