ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VÀO CÁC DỰ THẢO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XII CỦA ĐẢNG:
Nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết và trách nhiệm
(BĐ) - Sáng 7.10, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân (các hội, đoàn thể chính trị - xã hội, đại diện lão thành cách mạng, đại diện chức sắc các tôn giáo, dân tộc, trí thức, nhân sĩ, nhà khoa học…) góp ý vào các Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng.
Các dự thảo văn kiện được đưa ra lấy ý kiến gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng; Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới 2016-2020. Theo đó, các đại biểu đóng góp ý kiến đã tập trung vào các nội dung: đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011-2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới (1986-2016); mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm (2016-2020); đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; phát triển văn hóa, xây dựng con người; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tại, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng…
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết và trách nhiệm vào những nội dung của các dự thảo văn kiện. Trong đó, nhiều ý kiến đã phân tích, bổ sung về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp trong nhiệm kỳ mới. Các đại biểu đều bày tỏ nhất trí cao về cấu trúc trình bày của các dự thảo báo cáo. Tuy vậy các đại biểu cho rằng, ở các phần chuyên đề trong Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII của Đảng, phần phân tích về tình hình trình bày còn dài, nhiều ý bị lặp, nên được cô đọng lại để tập trung cho phần phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp. Trong phần đánh giá nguyên nhân hạn chế và kinh nghiệm trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011-2015), Dự thảo nêu những nguyên nhân yếu kém còn chung chung, mà phải chỉ ra cụ thể để khắc phục.
Các đại biểu cũng đã mạnh dạn góp ý, đề xuất một số giải pháp thực hiện các mục tiêu chỉ tiêu cụ thể như: Về giáo dục cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, đào tạo gắn với sử dụng hiệu quả, hạn chế tối đa tình trạng thanh niên học xong không có việc làm. Về xây dựng nông thôn mới cần có nhiều giải pháp hiệu quả, như đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; củng cố xây dựng hợp tác xã nông nghiệp như thế nào để phát triển bền vững; vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn cần chú trọng vai trò kinh tế tập thể. Đối với phát triển công nghiệp, dự thảo cần nêu rõ những ngành, lĩnh vực nào có tính nền tảng của Việt Nam để phát triển trong 5 năm tới cũng như nguồn lực phân bổ đầu tư. Đối với công tác xây dựng Đảng, dự thảo phải đưa ra các giải pháp quyết liệt trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí…
Tin, ảnh: NGUYỄN PHÚC