Để tránh bị nước ngoài bắt giữ: Ngư dân phải nghiêm túc chấp hành pháp luật
Ông Trần Văn Phúc
Thời gian qua, tình trạng tàu thuyền của ngư dân tỉnh ta vi phạm lãnh hải nước ngoài và bị bắt giữ ngày càng tăng. Điều này không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế cho ngư dân mà còn ảnh hưởng đến uy tín của nước ta trong hoạt động hợp tác nghề cá với các nước trong khu vực. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, xung quanh vấn đề này.
Trong 9 tháng đầu năm 2015, có 32 tàu cá Bình Định với 293 thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, Malaysia bắt 19 tàu, Indonesia bắt 11 tàu, Philippines bắt 2 tàu. Đến nay, đã có 7 tàu cá được thả; còn 25 tàu và 242 thuyền viên hiện đang bị Malaysia và Indonesia giam giữ.
* Tình trạng tàu thuyền của ngư dân tỉnh ta xâm phạm lãnh hải nước ngoài kéo dài đã nhiều năm. Đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, thưa ông?
- Lý do nêu lên đầu tiên là do nguồn lợi hải sản ở vùng biển nước ta bị suy giảm nghiêm trọng, trong khi vùng biển các nước có nguồn lợi hải sản phong phú hơn và với tâm lý hám lợi nên ngư dân đã cố tình xâm phạm trái phép lãnh hải nước ngoài. Hơn nữa, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của một bộ phận chủ tàu, thuyền trưởng còn hạn chế, mặc dù đã nhiều lần tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về Luật biển quốc tế và các vấn đề cơ bản của Luật biển ở Việt Nam.
Mặt khác, cơ quan chức năng xử lý các trường hợp cố tình vi phạm chưa nghiêm; chế tài xử phạt đã có nhưng chưa cụ thể, chưa đủ mạnh, không đủ sức răn đe, giáo dục người vi phạm. Hơn nữa, việc khai thác thủy sản ở vùng chồng lấn, vùng đang có tranh chấp khiến nhiều chủ tàu không xác định chính xác vị trí khai thác. Bên cạnh đó, một số tàu cá khi chạy để tránh bão hoặc không may bị hỏng máy trôi dạt vào các vùng biển nước ngoài nhưng không nắm được các biện pháp xin hỗ trợ khẩn cấp nên bị bắt giữ.
* Các nước trong khu vực đã thông báo sẽ xử lý nặng nếu ngư dân nước ta tiếp tục vi phạm lãnh hải. Là địa phương có nhiều tàu cá vi phạm, tỉnh ta đã triển khai những phương án nào để ngăn ngừa tình trạng này, thưa ông?
- Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố ven biển tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho chủ tàu cá và ngư dân nâng cao nhận thức pháp luật liên quan đến biển, hướng dẫn ngư dân hiểu rõ phạm vi đánh bắt hải sản trên Biển Đông, vùng đánh bắt chung giữa các nước mà Việt Nam đã ký kết; tuyệt đối không xâm phạm lãnh hải và khai thác trái phép hải sản của các nước khác trong khu vực.
Tàu cá đang neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn. Ảnh minh họa
UBND các huyện, thành phố ven biển phối hợp với các sở, ngành liên quan động viên ngư dân yên tâm bám biển và tiếp tục nhân rộng các mô hình tổ đội sản xuất trên biển. Hướng dẫn cho ngư dân khai thác trên biển theo tổ, đội đoàn kết nhằm hỗ trợ nhau, cùng đấu tranh và bảo vệ quyền lợi chính đáng, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ an ninh chủ quyền trên các vùng biển. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các ngư dân, tổ đội có thành tích trong việc ngăn ngừa những hành vi vi phạm lãnh hải các nước. Phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần trên biển để nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị hải sản, nâng cao hiệu quả đánh bắt của ngư dân. Đồng thời, vận động, yêu cầu ngư dân cam kết không vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản trái phép; huy động tổ chức, cá nhân, cộng đồng địa phương quan tâm hỗ trợ về vật chất, tinh thần, ổn định sản xuất và đời sống đối với ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu tài sản. Trong quá trình hoạt động khai thác, yêu cầu ngư dân mở máy HF 24/24 giờ để quản lý, giám sát và hướng dẫn cho ngư dân tránh vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài...
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh ta có 107 tàu cá và 875 thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Cụ thể, năm 2010 có 18 tàu, 151 thuyền viên; năm 2011 có 18 tàu, 152 thuyền viên; năm 2012 có 9 tàu, 63 thuyền viên; năm 2013 có 16 tàu, 117 thuyền viên; năm 2014 có 14 tàu, 99 thuyền viên. 9 tháng đầu năm 2015 có 32 tàu, 293 thuyền viên. Các địa phương có tàu bị bắt giữ nhiều, bao gồm: huyện Hoài Nhơn bị bắt 88 tàu, 744 thuyền viên; huyện Phù Cát bị bắt 16 tàu, 112 thuyền viên.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thành phố ven biển tiến hành điều tra, xử lý nghiêm theo pháp luật những trường hợp cố tình vi phạm lãnh hải của nước khác.
* Với chức năng của mình, Sở NN&PTNT sẽ có những hoạt động cụ thể nào để ngăn ngừa tàu cá tỉnh ta xâm phạm lãnh hải các nước trong khu vực?
- Sở đã và sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn cho ngư dân, nhất là các thuyền trưởng tàu cá đánh bắt xa bờ, về chủ quyền quốc gia; các quy định về khai thác, đánh bắt; ý thức tôn trọng Luật biển quốc tế. Đề nghị bắt buộc các tàu cá đều phải có giấy phép hành nghề, trang bị đầy đủ thiết bị kỹ thuật, thông tin liên lạc; đăng ký và khai báo tần số liên lạc, thời gian và ngư trường đang hoạt động cho cơ quan quản lý thủy sản, chính quyền địa phương và đồn biên phòng sở tại biết.
Chúng tôi kiến nghị Nhà nước cần tăng cường lực lượng Kiểm ngư, kết hợp với Cảnh sát biển, Hải quân tuần tra, kiểm soát, giữ gìn vùng biển Việt Nam. Các lực lượng này sẽ kịp thời ngăn ngừa tàu cá Việt Nam trong đó có tàu cá Bình Định có ý định xâm phạm lãnh hải nước ngoài. Bộ NN&PTNT cần đẩy mạnh công tác đàm phán hợp tác khai thác hải sản với các nước trong khu vực, để tạo điều kiện mở rộng ngư trường đánh bắt hải sản cho ngư dân khai thác hợp pháp, tiến tới hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khai thác hải sản.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)