Lặng thầm cho những trái tim khỏe mạnh
Tiếp nhận chuyển giao và triển khai thành công phẫu thuật tim hở là một thành công lớn của BVĐK tỉnh. Để có được thành công đó, đội ngũ gây mê hồi sức có đóng góp không nhỏ.
Gây mê hồi sức trong phẫu thuật tim hở là một thách thức với các nhà chuyên môn. Bởi, hoạt động này gây ảnh hưởng rất lớn đến các cơ quan sinh tồn, như tim mạch, hô hấp và chức năng thận, dễ dẫn đến các biến chứng có thể gây tử vong.
Tinh tế
Ở bệnh nhân mổ tim hở, tỉ lệ tử vong do biến chứng về tim mạch và hô hấp được thông báo luôn cao hơn các loại phẫu thuật khác. Nguyên nhân chính là quá trình gây mê gây ra nhiều biến loạn về huyết động cũng như hô hấp, có thể nguy hại đến tính mạng người bệnh. Đồng thời, đây cũng là phương pháp gây mê khác biệt với các loại gây mê thông thường. Gây mê trong phẫu thuật tim hở không những phải đảm bảo huyết động và hô hấp tốt trong toàn quá trình, mà còn phải phù hợp với từng giai đoạn trong quá trình phẫu thuật sửa chữa thương tổn trong tim.
Bệnh nhân được theo dõi trong phòng hồi sức sau phẫu thuật tim hở.
Tại BVĐK tỉnh, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức Nguyễn Thành là người gắn bó với phẫu thuật tim hở từ những ngày đầu. Anh cho biết, gây mê trong phẫu thuật tim hở không thể thiếu monitoring theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn liên tục và áp lực tĩnh mạch trung ương để bù dịch và điện giải cho đúng, điều chỉnh kịp thời các thuốc hỗ trợ tim mạch. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng thực hiện xét nghiệm máu động mạch liên tục để cân bằng kiềm toan.
“Có những bệnh nhân phải hồi sức ngay từ lúc khởi mê, đó là khi vừa tiêm thuốc gây mê thì bệnh nhân đã xuất hiện rối loạn huyết động. Nặng nề nhất là giai đoạn cho tim đập lại. Lúc này, một mặt phải kích thích cho tim co bóp trở lại bằng tay, mặt khác dùng thuốc hỗ trợ tim mạch, như liều “doping” trợ sức cho tim. Với những bệnh nhân tiên lượng trước mổ có chức năng tim kém, có suy tim độ III, IV, có tăng áp lực động mạch phổi thì khi cho tim đập trở lại phải dùng phối hợp 2-3 loại thuốc hỗ trợ tim mạch”, bác sĩ Thành giải thích.
Cho đến nay, vẫn chưa có một phương pháp gây mê hồi sức nào là hoàn hảo. Các nhà gây mê hồi sức vẫn không ngừng tìm tòi, cải tiến để mang lại những giải pháp hiệu quả nhất cho bệnh nhân
Nói thì “trơn tru” như thế, nhưng rất khó để ta cảm nhận được độ phức tạp trong công việc của các bác sĩ ở giai đoạn này. Bởi, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa dùng cơ tay và thuốc hỗ trợ tim mạch là cả một nghệ thuật. Nó không chỉ căn cứ vào những thông số khô khốc hiện lên trên máy móc, mà còn dựa vào cảm quan tinh tế của người thầy thuốc trước tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.
Không ngừng cải tiến
Cho đến nay, vẫn chưa có một phương pháp gây mê hồi sức nào là hoàn hảo. Các nhà gây mê hồi sức vẫn không ngừng tìm tòi, cải tiến để mang lại những giải pháp hiệu quả nhất cho bệnh nhân. Đó cũng là động lực để bác sĩ Nguyễn Thành và các cộng sự đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu biến đổi hô hấp, huyết động và biến chứng trong gây mê hồi sức và tuần hoàn ngoài cơ thể ở bệnh nhân phẫu thuật tim hở tại BVĐK tỉnh Bình Định”.
Đề tài thực hiện nghiên cứu trên 30 bệnh nhân được phẫu thuật tim hở tại BVĐK tỉnh từ tháng 5.2013 đến tháng 6.2015. Kết quả nghiên cứu cho thấy, lúc cho tim đập trở lại và sau phẫu thuật những ngày đầu, có 25 bệnh nhân cần có sự hỗ trợ của thuốc vận mạch; chỉ có 5 trường hợp thông liên nhĩ và thông liên thất không cần hỗ trợ thuốc vận mạch. Đáng chú ý, thời gian rút nội khí quản là 164,9±74,49 phút, có bệnh nhân được rút ngay tại phòng mổ.
Trong quá trình tiếp nhận chuyển giao và triển khai kỹ thuật phẫu thuật tim hở tại BVĐK tỉnh, gây mê hồi sức luôn đi trước một bước. Cụ thể, với 95 ca đã thực hiện, các chuyên gia của tuyến trên chỉ trực tiếp tham gia hỗ trợ gây mê hồi sức 3 lần. Bắt đầu từ ca thứ 10, các bác sĩ BVĐK tỉnh đã chính thức làm việc độc lập.
Bác sĩ Nguyễn Thành cho hay, bệnh nhân thở máy lâu rất dễ dẫn đến nhiễm trùng hô hấp. Việc rút nội khí quản sớm sẽ làm giảm được các biến chứng về hô hấp. Cách làm này ra đời không chỉ từ học hỏi cách làm của các chuyên gia nước ngoài, mà còn xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn. 3 điều kiện quan trọng để rút nội khí quản sớm là bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn; tự thở sâu, đều 16-18 lần/phút; xét nghiệm khí máu bình thường.
Bên cạnh đó, từ tháng 10.2013, ê-kip gây mê hồi sức của BVĐK tỉnh đã tự pha được thuốc liệt tim. Loại thuốc này có hạn sử dụng rất ngắn (dưới 1 năm), trước đây việc mua sắm phụ thuộc vào các hãng dược nước ngoài. Tự pha chế được thuốc liệt tim là một tiến bộ lớn, mang lại nhiều tiện ích không chỉ cho bệnh nhân, mà còn giúp bệnh viện chủ động được công tác chuẩn bị cho từng ca phẫu thuật tim.
NGUYỄN VĂN TRANG