Tôn trọng nhân phẩm người bệnh tâm thần
Sức khỏe tâm thần là một trạng thái thoải mái mà ở đó con người có thể nhận thức rõ khả năng của mình, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường trong cuộc sống, làm việc hiệu quả, năng suất và có thể đóng góp cho cộng đồng.
Sức khỏe tâm thần là một phần thành tố không thể tách rời của sức khỏe nói chung, cần thiết để tạo ra cảm giác thoải mái tinh thần, giúp con người thực hiện chức năng của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Trên thực tế, hiểu biết của cộng đồng về các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần nhìn chung vẫn còn hạn chế, từ đó nảy sinh một số các quan niệm sai lầm về vấn đề sức khỏe tâm thần, cho rằng những người có vấn đề về tâm thần chỉ là số ít, không phổ biến.
Vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể gặp ở mọi lứa tuổi, khu vực, quốc gia và cộng đồng. Theo ước tính, trên thế giới có khoảng 400 triệu người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, và cứ 4 người lại có 1 người có vấn đề về sức khỏe tâm thần tại một giai đoạn nào đó trong cuộc đời. Những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là những người mắc các chứng rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt, có khuynh hướng bạo lực và gây nguy hiểm cho sự an toàn của những người xung quanh nếu được phép sống chung trong cộng đồng.
Các kiến thức về các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần trong nhân dân còn nhiều hạn chế, đi kèm với đó là tình trạng kỳ thị, thành kiến và phân biệt đối xử diễn ra phổ biến. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong đời sống của họ, bao gồm đời sống cá nhân, gia đình, công việc, và thậm chí cả khả năng duy trì mức sống cơ bản.
Hệ quả của kỳ thị là mối lo sợ không được những người xung quanh chấp nhận, dẫn đến việc nhiều người tự rút khỏi các mối quan hệ xã hội và bỏ lỡ nhiều cơ hội trong cuộc sống, đây là nguyên nhân của tình trạng cô lập, thất nghiệp và thu nhập thấp. Sự phân biệt đối xử do thực tế trải qua hoặc lo ngại sẽ trải qua là lý do chính khiến nhiều người che giấu các vấn đề sức khỏe tâm thần của mình và không tìm kiếm sự giúp đỡ. Trong các nghiên cứu về vấn đề tự sát của bệnh nhân tâm thần, ngoài chi phối của hoang tưởng, ảo giác người bệnh thì thời điểm hay tự sát của bệnh nhân là khi điều trị đã ổn định, nghĩa là khi người bệnh nhận thức được các vấn đề xung quanh và phải đối mặt với nó.
Ngày sức khỏe tâm thần thế giới năm nay (10.10) có thông điệp “Nhân phẩm trong sức khỏe tâm thần” và “Hãy tôn trọng nhân phẩm người bệnh tâm thần”. Trước hết, mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần; phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đủ liệu trình điều trị. Mặt khác, cần tăng cường năng lực cho các gia đình chăm sóc bệnh nhân tại nhà với sự hỗ trợ từ hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần nói riêng và hệ thống y tế nói chung. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người bệnh tâm thần.
BS NGUYỄN THỊ ĐỊNH
(Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh)