Chia sẻ yêu thương với người khuyết tật
Ngày 4.10, Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức hoạt động khám và phát thuốc miễn phí, trao quà cho 100 người khuyết tật ở TP Quy Nhơn và các huyện lân cận. Các bạn trẻ dành nhiều tình cảm và thời gian cho những mảnh đời còn bất hạnh, thiệt thòi trong xã hội. Hoạt động này không mới, song lần nào cũng nhiều yêu thương, đầy cảm thông và được cộng đồng hoan nghênh.
1.
Từ 12 giờ trưa, vợ chồng Nguyễn Văn Dũng, 43 tuổi, ở tổ 6, thôn Giang Bắc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước chở con gái Nguyễn Thị Thanh Ngân, 14 tuổi bị bệnh bại não để xuống TP Quy Nhơn tham gia chương trình. Nhìn anh Dũng loay hoay lo ẵm bồng, chăm sóc con gái uống nước, lau miệng… đã đủ thấy sự khó nhọc của gia đình. Hàng ngày, anh đi phụ hồ, vợ anh ở nhà chăm sóc bé Ngân.
Tại chương trình, anh chị đã ngồi khá lâu nhờ giải đáp thắc mắc vì sao con mình không tự nuốt nước miếng, đờm nhiều và liên tục ho. Bác sĩ của đoàn tình nguyện đã giải thích cặn kẽ cách, rồi bày cho anh chị cách giúp con đỡ mệt, đỡ ho và cho nhiều loại thuốc để tiêu đờm, chữa các bệnh thông thường cháu dễ mắc phải.
Các tình nguyện viên, cán bộ Hội giúp đỡ người khuyết tật.
Nghe xong những lời khuyên và hướng dẫn tận tình từ đoàn y, bác sĩ tình nguyện của chương trình, gương mặt vợ chồng anh giãn ra nhiều, gánh nặng mệt mỏi vì đường xa, chăm con nãy giờ dường như đã nhẹ bớt. Anh Dũng tâm sự: “Lần đầu tiên tôi được hướng dẫn tận tụy cách chăm sóc con gái như vậy. Đi đường xa như vậy đến đây cũng đáng. Mong có nhiều chương trình dành cho người khuyết tật như con gái của tôi để cháu được chăm sóc tốt hơn”.
2.
Niềm vui ấy còn đến với khá nhiều mảnh đời khó khăn, bất hạnh khác. Len lỏi giữa dòng người đến khám bệnh, là một bé gái nhỏ nhễ nhại mồ hôi, bám sau vai em là một người đàn ông mù lòa. Em tên Lê Thị Bích Diệu, lớp 6, trường THCS Bùi Thị Xuân, có ba tên Lê Như Hậu, 36 tuổi, ở tổ 10, KV6, phường Bùi Thị Xuân. Hai cha con vừa mới bán hết 100 tờ vé số, vội vàng đến cho kịp giờ khám bệnh.
Anh Hậu tâm sự: “Tôi bị mù từ nhỏ, vợ cũng bị lao phổi nặng chỉ ở nhà chăm sóc đứa thứ hai còn nhỏ. Cuối tuần, cháu Diệu nghỉ học mới dắt tôi đi bán vé số kiếm khoảng 100 ngàn dành dụm chi tiêu cho cả tuần. Cả tháng nay, tôi cũng đau nhức trong người mà không dám đi khám hoặc mua thuốc tây uống. Nghe thông báo có chương trình này, cả ngày, ba con tôi không dám nghỉ chân, cố bán cho hết sớm kịp đến khám và nhận quà”. Anh Hậu được các bác sĩ khám và chẩn đoán khá nhiều bệnh thấp khớp, viêm tai mũi họng.
Trong khi chờ ba khám bệnh, nhận thuốc, bé Diệu chia sẻ với chúng tôi hoàn cảnh gia đình: “Ba không may mắn như mọi người nên gia đình con cũng khó khăn lắm. Con đi bán vé số một mình cũng được nhưng ba không yên tâm, nên cuối tuần nào, dù mưa hay nắng, con cũng làm đôi mắt để dẫn ba đi bán vé số. Hai cha con đi cả ngày dù mệt nhưng vui, tình cảm nữa”. Diệu kể thêm, ngày còn học tiểu học thì đi bán cả hai ngày nghỉ cuối tuần, giờ học THCS chỉ được bán vào ngày chủ nhật nên nguồn thu bị giảm đáng kể.
Cha con họ nhận thuốc và quà xong, quay lại bắt tay cảm ơn các anh chị ở Hội và CLB trước khi về. Cảnh hai cha con khấp khởi ra bến đón xe buýt trong buổi chiều nắng gắt làm nhiều người cảm động. Hôm nay, họ bán vé số hết sớm, lại được nhận thêm phần tiền hỗ trợ của Hội LHTN Việt Nam tỉnh cùng một cơ số thuốc uống đỡ bệnh.
3.
3 năm tham gia CLB, tôi đã nhiều lần đến giúp Hội Người mù và CLB thanh niên khuyết tật tỉnh. Chuyện giúp họ đi trên đôi chân của mình không còn xa lạ. Buổi tình nguyện nào cũng đẫm mồ hôi như vậy cả. Đổi lại, những nụ cười vui vẻ của họ làm tôi thấy hạnh phúc
Bạn LÂM THINH LƯỢNG, 23 tuổi, làm nghề sửa chữa máy tính, thành viên của CLB Kỹ năng thanh niên tỉnh
Đây là một trong những hoạt động hướng đến kỷ niệm 59 năm ngày thành lập Hội LHTN Việt Nam (15.10.1956 - 15.10.2015). Hôm ấy, không chỉ có những người khuyết tật, người mù cảm động vì được thông cảm, sẻ chia, mà những bạn trẻ tình nguyện viên cũng cảm thấy hạnh phúc vì làm được việc có ích.
Địa điểm tổ chức nằm ở hội trường tầng 1 Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh ở số 17 Ngô Quyền, TP Quy Nhơn. Cầu thang lên khá nhỏ, không thuận lợi cho việc đi đứng, di chuyển của người khuyết tật, nên các bạn nữ trong CLB tình nguyện lo đón họ từ cổng dẫn đến tận chân cầu thang. Các bạn nam khỏe hơn chịu trách nhiệm ẵm, cõng họ lên hội trường, đưa đến từng bàn khám bệnh, nhận thuốc rồi đưa xuống cầu thang để ra xe lăn về nhà.
Gần 60 người khuyết tật đến khám chữa bệnh hôm ấy, ngoại trừ một số ít người được gia đình chăm lo việc di chuyển lên xuống cầu thang, thì phần lớn phải nhờ vào các bạn tình nguyện viên. Trời nắng nóng, trán, mồ hôi thấm ướt đẫm vai áo, trên trán của tình nguyện viên song chẳng ai nề hà. Bạn Lâm Thinh Lượng, 23 tuổi, làm nghề sửa chữa máy tính, thành viên của CLB Kỹ năng thanh niên tỉnh, cười: “3 năm tham gia CLB, tôi đã nhiều lần đến giúp Hội Người mù và CLB thanh niên khuyết tật tỉnh. Chuyện giúp họ đi trên đôi chân của mình không còn xa lạ. Buổi tình nguyện nào cũng đẫm mồ hôi như vậy cả. Đổi lại, những nụ cười vui vẻ của họ làm tôi thấy hạnh phúc”.
CÔNG HIẾU