Mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai
Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ)/ sức khỏe sinh sản (SKSS) là một hướng đi tất yếu. Không chỉ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, cách làm này còn thay đổi cách nghĩ của người dân trong việc chủ động sử dụng PTTT.
Tháng 3.2015, Bộ Y tế ban hành Đề án Xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020 (gọi tắt là Đề án 818). Hiện, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã hoàn thành dự thảo, trình cấp trên phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án 818 tại Bình Định.
Xu thế tất yếu
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế, dân số, trong đó có cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS. Chương trình tiếp thị xã hội PTTT đã được chính thức được đưa vào chỉ tiêu Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ tại Bình Định từ tháng 7.2012, bước đầu đã thu được một số kết quả tích cực.
Đến với Trạm Y tế thị trấn Ngô Mây, người dân có nhu cầu sử dụng PTTT không chỉ yên tâm về chất lượng sản phẩm, mà còn được nhân viên y tế tư vấn kỹ lưỡng về cách dùng phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nguyễn Văn Quang, công tác xã hội hóa cung cấp PTTT, dịch vụ KHHGĐ/SKSS vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đầu tiên, có thể kể đến quan niệm và thói quen được Nhà nước “bao cấp” PTTT, dịch vụ KHHGĐ/SKSS trong thời gian dài. Đối tượng được ưu tiên cấp miễn phí chỉ là người thuộc hộ nghèo, vùng khó khăn, phần còn lại huy động đóng góp của cộng đồng và xã hội; tuy nhiên, công tác xã hội hóa chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn.
Bên cạnh đó, PTTT chủ yếu nhập khẩu (trừ bao cao su và viên uống tránh thai) cho chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ ưu tiên cấp miễn phí, thị trường không có bán PTTT lâm sàng nên các cơ sở y tế đủ điều kiện tham gia xã hội hóa không có PTTT để thực hiện, đặc biệt là dụng cụ tử cung, thuốc cấy tránh thai, thuốc tiêm tránh thai.
Ngoài ra, cơ chế, chính sách chưa cụ thể để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp PTTT, dịch vụ KHHGĐ/SKSS, nên các cơ sở y tế đủ điều kiện tham gia xã hội hóa chưa phát huy lợi thế và phát triển bền vững. Và quan trọng là ngân sách nhà nước bố trí mua PTTT chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.
“Trong điều kiện ngân sách nhà nước cho công tác DS-KHHGĐ ngày càng bị cắt giảm mạnh, trong khi nhu cầu tránh thai của người dân vẫn tăng, thì xã hội hóa được xác định là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường”, ông Nguyễn Văn Quang khẳng định.
Thêm động lực mới
Không thể phủ nhận rằng, xã hội hóa đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng cho người dân, nhằm đảm bảo sự công bằng xã hội, sự bền vững của chương trình DS-KHHGĐ.
Bà Tô Thị Thu Nguyệt, Trưởng Trạm Y tế thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, cho hay: “Nhiều người dân đã có thói quen tìm đến trạm để mua bao cao su và thuốc uống tránh thai. Thuốc viên tránh thai chúng tôi bán 3.000 đồng/viên, ngoài thị trường cũng chỉ cao hơn 1.000-2.000 đồng/viên. Tuy nhiên, giá cả chưa phải là yếu tố quyết định sự lựa chọn của người dân. Khi đến trạm, họ yên tâm về chất lượng sản phẩm, lại được nhân viên y tế tư vấn kỹ càng về cách sử dụng sao cho phù hợp với thể trạng của từng người”.
Những lợi điểm của xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS sẽ càng được phát huy với Đề án 818. Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch thực hiện Đề án 818 tại Bình Định là đến năm 2020, 11/11 huyện, thị xã, thành phố với 21 phường và 12 thị trấn thuộc khu vực thành thị và vùng nông thôn phát triển thực hiện xã hội hóa 100% về cung cấp PTTT, dịch vụ KHHGĐ/SKSS.
Theo Kế hoạch thực hiện Đề án 818 tại Bình Định, trong giai đoạn 1 (2016-2017) sẽ thí điểm xã hội hóa ở 16 phường thuộc TP Quy Nhơn. Giai đoạn 2 (2018-2020), mở rộng xã hội hóa thêm 5 phường thuộc thị xã An Nhơn và 12 thị trấn của 9 huyện còn lại.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, nhiều cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương sẽ được ban hành về hỗ trợ PTTT, dịch vụ KHHGĐ/SKSS; hỗ trợ chi kỹ thuật dịch vụ, quản lý, vận động đối tượng; xây dựng cơ chế chi trả đối với từng loại hình dịch vụ… Đồng thời, thí điểm một số cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở y tế đủ điều kiện tham gia xã hội hóa.
Với người dân - “khách hàng”, công tác truyền thông sẽ được chú trọng. Các điểm truyền thông, tư vấn tại cơ sở y tế tham gia xã hội hóa được thiết kế và thành lập theo một kiểu mẫu thống nhất. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng điểm truyền thông, tư vấn làm nơi tuyên truyền, tư vấn và giới thiệu PTTT, dịch vụ chăm sóc SKSS; cung cấp các tài liệu cho điểm truyền thông tư vấn như tranh gấp, tờ tranh lật... với nhiều nội dung liên quan.
“Điều quan trọng là quyền lợi của khách hàng được đảm bảo, họ được tiếp cận PTTT, dịch vụ KHHGĐ/SKSS kịp thời với giá cả phù hợp; được đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của từng nhóm đối tượng; được quan tâm và nhận dịch vụ có chất lượng, được theo dõi và giải quyết những vướng mắc khi nhận dịch vụ...”, ông Quang phân tích.
NGUYỄN VĂN TRANG