TPP - Cơ hội & thách thức!
Sau 5 năm, với hơn 20 vòng đàm phán quyết liệt và cam go, đến thời điểm này 12 quốc gia gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đã chính thức hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là bước mở đường cho khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới với những tiêu chuẩn cao nhằm tăng cường thương mại và đầu tư, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm trong khối.
Việc hoàn tất đàm phán TPP được đánh giá là một “kỳ tích lịch sử”. TPP tạo ra một không gian kết nối hai đầu Thái Bình Dương giữa Bắc Mỹ và Đông Á, là những khu vực kinh tế năng động nhất của thế giới. Đây sẽ là một khu vực mậu dịch tự do chiếm tới 40% kinh tế và 30% thương mại toàn cầu, và được dự báo sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỉ USD mỗi năm.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỉ USD vào năm 2020 và 33,5 tỉ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỉ USD vào năm 2025. Đáng chú ý là việc các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra “cú hích” lớn đối với hoạt động xuất khẩu của nước ta. Các ngành xuất khẩu quan trọng như dệt may, giày dép, thủy sản... nhiều khả năng sẽ có bước phát triển vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này. Đặc biệt, Việt Nam sẽ có các cơ hội từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi TPP có hiệu lực.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy cùng với các cơ hội nói trên là những thách thức không nhỏ. Khi TPP được thực thi, những ngành kém lợi thế, sức cạnh tranh yếu của Việt Nam sẽ bị thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt với các ngành chăn nuôi, lâm nghiệp, sản phẩm gỗ... Bởi vậy, việc đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó đặc biệt coi trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ sinh học vào lĩnh vực trồng trọt, canh tác, chăn nuôi là những yêu cầu cấp bách đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam.
Để thực thi cam kết TPP, thời gian tới Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một khối lượng lớn các quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường… Đây có lẽ cũng là một trong những điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể vượt qua thách thức, tận dụng được các cơ hội mà TPP mang lại.
H.Đ