Vá "lỗ hổng" !
Lâu nay, mỗi khi nhắc đến nguyên nhân của tình hình tai nạn giao thông (TNGT) có thể kể ra rất nhiều: Hệ thống hạ tầng giao thông yếu kém, chất lượng phương tiện giao thông không đáp ứng đúng các yêu cầu về kỹ thuật, ý thức chấp hành Luật Giao thông và ý thức tham gia giao thông của người dân còn thấp...
Trên thực tế thì tình trạng người uống rượu bia vẫn tham giao thông; trẻ em chưa đủ tuổi lái xe cũng tham gia điều khiển phương tiện giao thông trái quy định của pháp luật; người tham gia giao thông lạng lách, đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành Luật Giao thông... xảy ra khá phổ biến cho thấy sự kém ý thức của người tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, ngay cả khi hạ tầng giao thông được cải thiện tốt lên nhưng nguy cơ TNGT vẫn không giảm được bao nhiêu. Hiện nay, nhiều tuyến đường đã được cải tạo, nâng cấp rất hiện đại như các tuyến cao tốc, quốc lộ I… với đầy đủ dải phân cách, vạch phân làn, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu rất hiện đại để bảo đảm ATGT. Tuy nhiên, nếu quan sát việc đi lại thì hình ảnh khá phổ biến ai cũng có thể thấy là người đi xe đạp xe máy “vô tư” đi vào làn đường dành cho ô tô, các loại xe chở khách hay vận tải hàng hóa “vô tư” lấn vào làn dành cho xe đạp, xe máy để dừng, đỗ hay bắt khách bất cứ lúc nào. Đó là chưa kể đến tình trạng người đi xe máy, xe đạp thao tác chuyển hướng, chuyển làn phương tiện theo kiểu “thích gì làm nấy” chứ không tuân thủ các quy tắc lái xe an toàn… cũng hết sức… phổ biến. Có thể nói, tất cả các ví dụ nói trên cũng chính là nguyên nhân trực tiếp của nhiều vụ TNGT đã xảy ra hoặc tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào.
Vì vậy, chung quy lại thì nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là nguyên nhân từ phía con người. Bởi lẽ, khi tham gia giao thông bản thân mỗi người phải làm chủ phương tiện và phải có trách nhiệm với an toàn của mình và của những người tham gia giao thông khác. Còn về phía những người có trách nhiệm liên quan như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, kiểm định chất lượng phương tiện vẫn còn tồn tại hiện tượng tiêu cực… cũng là những nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến sự an toàn của người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Vì vậy, để giảm thiểu tình trạng mất an toàn khi tham gia giao thông cần phải thực hiện nhiều biện pháp có tính hệ thống và lâu dài, trong đó, quan trọng hơn hết vẫn là công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông an toàn cho người dân. Mục tiêu cụ thể là cần phải “vá” cho được những “lỗ hổng” về ý thức chấp hành luật lệ khi tham gia giao thông của mọi người.
HẢI ÐĂNG