Bạn xưa
* Truyện ngắn của NGUYỄN MỸ NỮ
Đến nhà tôi cách đây mấy hôm, Đông có vẻ bần thần khi đối diện với người phụ nữ đã trên tuổi bốn mươi chứ không phải là cô bé hàng xóm tinh nghịch và đanh đá thuở nào của Đông. Lúng túng nên Đông mồi mãi điếu thuốc mà chẳng được và tôi chống chếnh thế nào mà bưng khay trà chỉ chực rơi. Đông ngước nhìn và tôi vội lấp liếm:
- Không phải vì xúc động đâu nhé! Anh đừng có hòng.
- Nếu mà anh “hòng” được, thì cái anh chàng ngày trước làm gì đã cưới được em.
- Anh vẫn nhỏ mọn à? Đâu lại có người thù dai đến thế cơ chứ!
- Anh chứ còn ai nữa. Em lấy chồng người ở đây thì sẽ không bao giờ anh trở lại xứ này. Thề rồi. Thề hẳn hoi đấy nhé!
- Sao bây giờ ở đây? Lại đến cả em nữa.
- Con anh đòi ra ngoài này thi Đại học. Anh cũng muốn một lần… Để xem nhỏ bắc kỳ ngày xưa còn được bao nhiêu ký lô gam trong trái tim của anh. Nên đến nơi là tìm em ngay, chứ chả sợ gì.
- Thành chi em nghe tiếng gõ cửa của anh hơi to. Đi đứng nghe ra cũng khí mạnh bạo. Khẽ hơn không khéo lại hay.
Lời tôi nói không ngờ lại làm cho chính tôi đâm xốn xang. Hình như, đó cũng là câu tôi luôn muốn nói với Đông ngày trước mà chưa thể. Hồi ấy giá như Đông biết cư xử với tôi gượng nhẹ, ngọt ngào thì tình cảnh hai đứa chắc đã khác và biết đâu… Lần hai đứa cãi nhau dữ dội nhất vẫn trên sân thượng của hai nhà. Cũng chỉ bắt đầu từ những chuyện vẩn vơ vậy mà Đông tròng tréo bồ của tôi vào. Đông ra sức chê bai, chế giễu người Bình Định, xứ Bình Định. Còn tôi hết lòng bênh vực và bảo vệ quê hương của người yêu. Càng cãi tôi càng nói năng vấp váp. Càng cãi Đông càng nói năng lưu loát. Cáu. Tôi “giở quẻ” đả phá người bắc chơi. Tưởng là Đông thua rồi và trận chiến phải kết thúc, ai dè… Đông già họng quá khiến tôi đành cứng hàm. Trong lúc bí thế, tôi đã ngốc làm sao khi bỗng nhiên rống thật to: “Bắc kỳ ăn cá rô cây. Ăn nhằm lựu đạn chết cha bắc kỳ”. Còn Đông? Thật chẳng hiểu ra làm sao nữa khi bắt chước cái ngốc của tôi, rống to hơn. Rồi cứ thế bên này một đứa con gái chỉa sang “bắc kỳ…” là lập tức đứa con trai bên kia đối đáp ngay “bắc kỳ…”. Mãi cho đến lúc tôi bị nắm tay, kéo xuống và Đông bị bợp tai thì mọi chuyện mới thật sự kết thúc.
Đêm ấy, hai nhà láng giềng có một phiên họp đặc biệt với đầy đủ mọi người. Tôi và Đông được đẩy ra ngồi ở giữa. Hình như đó là lần đầu tiên và duy nhất trong đời, chúng tôi được ngồi gần nhau đến thế. Gần đến nỗi tôi nghe được những hơi thở của Đông, rất gấp. Bố tôi lên tiếng trước:
- Thằng Đông nghe bác hỏi. Cháu người gì?
Đông lí nhí:
- Dạ… Dạ… Cháu người bắc.
-Thế còn cái Phong?
- Dạ… Dạ… Cũng giống anh Đông.
Bố Đông gằn lại:
- Không được trả lời vòng vo như thế. Đáp thẳng. Người gì?
- Dạ… Cháu người bắc.
Hình như chỉ cần tôi và Đông xác nhận gốc gác là hai vị chủ gia đình bắt đầu bài diễn thuyết của mình ngay. Bố tôi với giọng buồn bã mở lời trước: “Chẳng ai muốn rời quê của mình mà đi đâu cả nhưng cái hoàn cảnh nó đẩy đưa. Chỉ có điều ở bất cứ nơi nào những người như bố mẹ và bác Nga đây cũng phải là chịu thương chịu khó, làm lụng căn cơ, nuôi dạy bảo ban con cái tử tế. Phải cố, các con ạ! Để những người khác quê nhìn vào không phải chê bai, dè bỉu người bắc của mình thế mà các con… Rõ là bôi tro, trát trấu vào các ông bố bà mẹ bắc này, vào cái gia đình họ mạc xứ bắc này mà quê hương bản quán đã làm gì nên tội vạ khiến cho các anh chị phải xấu hổ, ghét bỏ, khinh chê, rẻ rúng như thế hả?”.
Càng nói giọng bố tôi càng nặng nề, gay gắt và mới nhìn thoáng qua cũng biết là bố tôi rất giận nên chẳng một ai dám lên tiếng, ngoại trừ bác Nga trai. Bố Đông nói có phần nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn không kém sự cương quyết và rắn rỏi. Đại để những điều bác Nga nói cũng tựa như là lời của bố tôi. Và, nếu như giọng bố tôi có những lúc như khản đặc hẳn đi vì tức tưởi thì giọng bố Đông, không hiếm lần phải nghẹn lại bởi ngậm ngùi. Tôi ngồi nghe chết điếng và giận mình quá thể. Rồi mũi lòng, chẳng thể kiềm chế được đành bật khóc. Và Đông? Khuôn mặt buồn thiu với hai mắt chớp chớp liên hồi. Mọi người nhìn xoáy vào và hiểu ngay: chỉ cần tra vặn thêm một tị nữa Đông sẽ khóc òa. Không chừng còn khóc nhiều hơn tôi nữa ấy chứ!
* * *
Vợ chồng tôi có mời bố con Đông đến nhà ăn cơm và trước hôm đi, Đông gọi điện rủ đi uống nước ở một cái quán gần biển. Tôi đến đó một mình vì chồng tôi bận công việc. Đông ra cổng đón vừa dắt xe tôi vào bãi vừa cười: “Em không sợ à?”. Tôi nhíu mày: “Sợ gì?”. Đông lập tức trở lại là chàng trai đôi mươi, liến láu: “Sợ chồng em ghen hoặc sợ anh chẳng hạn”. Tôi nhìn Đông im lặng rồi bỗng cười phá lên thật to và chợt nhận ra biển, chiều nay, sao mà phẳng êm đến thế. Đông đưa tôi đến bàn và đã ngồi sẵn ở đó một cậu nhỏ, mà, chỉ cần nhìn lướt qua cũng biết bố nó là ai. Đông nói: “Đây là con trai anh: Khải Nguyên và cô này là bạn xưa của bố”.
Đông và tôi uống bia lon ướp lạnh và Khải Nguyên ừng ực mấy hơi đã hết sạch chai nước khoáng. Chúng tôi hỏi han nhau về gia đình, con cái, công việc làm ăn. Câu chuyện chậm rãi, hơi buồn buồn như Đông càng về sau càng rơi rớt bớt đi cái liến láu và lém lỉnh. Và rồi, người đàn ông gần năm mươi tuổi vẫn là người đàn ông của tuổi năm mươi. “Ở tuổi của anh hóm thì vẫn hơn là lém”. Tôi nói và Đông cười. Cái cười sạch trơn, tươi trẻ. Sạch trơn những nông nổi, bộp chộp, gai góc, dại điên… Khải Nguyên gặp lại đám bạn ra ngoài này thi và xin phép rời bàn. Sau khi thằng bé đi, có vẻ Đông nhìn tôi nhiều hơn thì phải. Đông nhìn tôi. Tôi nhìn biển và nghĩ về một điều gì đó rất mơ hồ. Không phải về chồng tôi. Không phải về Đông. Không phải về ngày xưa và cũng không phải là bây giờ. Tôi hơi giật mình, khi Đông hỏi đột ngột:
- Chồng em thế nào?
- Anh muốn biết à?
- Ừ!
- Anh ấy… Biết nói như thế nào nhỉ? À! Phải đấy. Anh ấy thật thà và thâm trầm.
- Và em thấy đủ?
- Vâng.
- Nghe giọng của em là anh biết. Em bằng lòng với cuộc sống của mình. Nhìn cái cách của em, từ lúc gặp lại là anh hiểu: Em có hạnh phúc. Thích thật!
- Cho anh hay cho em?
- Cái gì?
- Cái “thích thật” mà anh mới nói ấy.
- Thật thà thì cho em mà lếu láo thì cho anh.
- Hoàn toàn là Đông không nghĩ em… như thế này, khi trở về gặp lại em. Đúng không?
- Đúng! Em vẫn hiểu anh, rất hiểu anh như cách đây ba mươi năm. Thật đấy, Phong ạ!
- Còn vợ anh?
- Cô ấy luôn tin cậy và yêu thương anh hết lòng.
-… và anh không thấy đủ?
Tiếng “ừ” của Đông, khô khốc rơi giữa ngụm bia tôi uống sao mà đắng nghét. Rơi giữa biển lặng làm gợn lên những con sóng lăn tăn. Rơi giữa chiều lẻ loi một cánh chim bay miết. Rơi xuống chỗ tôi ngồi sẽ mãi mãi là cách quãng với Đông.
Chia tay bố con Đông lúc chiều đã sẫm. Ngồi trên xe tôi nghĩ ngay đến nụ cười chờ đợi của chồng và một bữa cơm tối, sẽ có với nhau đầm ấm. Xe vừa phóng đi, tôi đã nghe tiếng Đông í ới gọi theo: “Phong ơi! Phong”. Tưởng có chuyện gì, tôi vội quay xe trở lại và bắt gặp một Đông rất khác với lúc chia tay vừa rồi. Khuôn mặt Đông như căng ra trong sự thích thú. Hai mắt mở to dẫu đã to sẵn chất đầy niềm vui. Xe tôi vừa ngừng, Đông đã nói vội: “Khổ quá! Có thế mà quên. Này Phong biết không? Khải Nguyên nhà anh có bồ rồi. Bồ ruột hẳn hoi đấy nhé! Em xem… Rõ có hay không?”.
Quả là mới nghe câu đầu tôi có hơi buồn cười nhưng liền sau đó, bị cuốn ngay vào sự háo hức của Đông rồi thật bất ngờ và thú vị bởi nhận ra: Có gì là hay đâu nhỉ? Cái chuyện Khải Nguyên có bồ ấy, mà nhưng Đông kìa! Vẫn thế!
N.M.N