Tình trạng lấn chiếm đất sản xuất khu vực giáp ranh huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Khê: Cần giải quyết dứt điểm
Nhiều năm qua, địa bàn giáp ranh giữa huyện Vĩnh Thạnh (Bình Ðịnh) và thị xã An Khê (Gia Lai) nổi lên tình trạng lấn chiếm đất rừng sản xuất của các hộ trong vùng. Trong khi đó, ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp triệt để nào để hạn chế tình hình, đảm bảo ANTT.
“Nếu việc tranh chấp, lấn chiếm đất rừng không được giải quyết dứt điểm thì việc trồng lại rừng còn lâu mới thực hiện được. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng hai tỉnh Bình Định, Gia Lai giải quyết dứt điểm tình trạng này một cách hợp tình, hợp lý, đừng để kéo dài sẽ tạo tiền lệ cho người dân lấn chiếm đất rừng ở nhiều khu vực khác”, ông Nguyễn Ngọc Đạo, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, tỏ ra bức xúc trước thực trạng người dân thường xuyên lấn chiếm, phá hoại đất sản xuất do Lâm trường quản lý.
Mới đây nhất, cuối tháng 6.2015, tại tiểu khu 226, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh giáp ranh với xã Cửu An, thị xã An Khê, lại xảy ra tình trạng người dân các xã Tú An, Cửu An, Xuân An (thị xã An Khê) lấn chiếm, phá rừng làm rẫy. Diện tích rừng bị chặt hạ là 6,5 ha, trong đó có 2,4 ha rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh quản lý và 2,4 ha rừng sản xuất do Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn quản lý.
Tình trạng lấn chiếm đất sản xuất vùng giáp ranh xảy ra từ năm 2001, sau khi lãnh đạo 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai thống nhất ranh giới theo Chỉ thị 364-CT ngày 6.11.1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) tại Quyết định số 4483/QĐ-UBND ngày 7.2.2001. Theo ranh giới này thì có đến 840 ha đất mà người dân các xã Tú An, Cửu An, Xuân An của thị xã An Khê đang khai hoang canh tác nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, thuộc sự quản lý của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn. Sau khi được giao đất, từ năm 2001 đến 2005, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn chỉ thu hồi, trồng lại được 437 ha rừng và đền bù, hỗ trợ tiền khai hoang cho người dân gần 350 triệu đồng.
Từ năm 2008 đến nay, hàng trăm hộ dân ở An Khê vẫn ngang nhiên lấn chiếm đất do Công ty được giao quản lý và sẵn sàng gây gổ với người của công ty khi bị ngăn cản. Như vào cuối năm 2014, khi Công ty khai thác rừng trồng tại tiểu khu 210B và tiểu khu 226 thuộc địa bàn xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh và tiến hành dọn thực bì để trồng lại rừng thì bị một số hộ dân ở thị xã An Khê dùng rựa, cuốc đuổi đánh cán bộ và nhân viên công ty đang làm nhiệm vụ, đồng thời nhổ phá và phun thuốc khai hoang tận diệt cây trồng để chiếm đất trồng hoa màu.
Không chỉ vậy, người dân các xã của thị xã An Khê giáp ranh Vĩnh Thạnh còn tự ý trồng keo ngay trên diện tích đất đã được Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn phát thực bì chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới. Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay, tại khu vực này đã xảy ra 32 vụ người dân vùng giáp ranh phá rừng trồng, gây thiệt hại trên 167 ngàn m2 rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn.
Trước tình trạng này, UBND huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Khê cũng đã ký kết kế hoạch phối hợp xử lý việc lấn chiếm đất của người dân vùng giáp ranh, trong đó tập trung vào nội dung tuyên truyền vận động người dân không lấn chiếm đất, phá hoại hoa màu và trả lại đất đã lấn chiếm. Dù vậy, theo lãnh đạo Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn thì: “Từ khi có tranh chấp đến nay, Công ty liên tục gửi báo cáo về tình trạng này đến UBND 2 huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Khê nhờ can thiệp, nhưng hễ tổ công tác liên ngành ngừng kiểm tra thực địa thì những đối tượng phá rừng lập tức quay lại. Sở dĩ tình trạng này kéo dài là do liên quan đến quyền lợi kinh tế và chính quyền cơ sở các địa phương liên quan vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết, nhất là trong giao khoán cho các hộ dân bảo vệ, chăm sóc, quản lý rừng”. Còn theo một số cán bộ địa phương, một phần nguyên nhân của tình trạng này là người dân lấy lý do đây là đất do ông bà họ để lại.
Nguyên nhân vấn đề đã rõ, hướng giải quyết cũng đã được đề ra, tuy nhiên biện pháp phối hợp giải quyết giữa các bên liên quan chưa mang lại hiệu quả. Vì vậy, trước mắt, chính quyền các địa phương vùng giáp ranh cần phân định rõ địa giới hành chính bằng việc cắm mốc, đặc biệt là khu vực xảy ra tranh chấp đất sản xuất; sau đó là vận động, giáo dục pháp luật cho người dân, có biện pháp xử lý nghiêm để họ từ bỏ hành vi không đúng. Thực tế đã có nhiều vụ xô xát, phạm pháp liên quan đến tranh chấp đất, gây mất ANTT và khó khăn cho công tác quản lý, phát triển KT-XH ở địa phương.
KIỀU ANH - XUÂN DŨNG