CLB Hát ru và hát dân ca Ân Hảo: Yêu sao khúc hát quê hương
Ra đời từ những năm tháng chiến tranh đầy ác liệt, Ðội văn nghệ Ân Hảo - tiền thân của CLB Hát ru và hát dân ca Ân Hảo - đến nay vẫn duy trì và phát triển, góp phần tích cực vào phong trào văn hóa văn nghệ ở miền đất trung du.
Mời bạn về thăm Ân Hảo đây. Gió thoảng hương bay, vườn cây xanh ngắt. Khúc hát nên nghĩa trao duyên, ai hát. Mời bạn về, đồng lúa đã chín vàng..., sau khi hát cho chúng tôi nghe những làn điệu dân ca mượt mà, trữ tình trong bài “Một thoáng quê hương” do thành viên Xuân Phước sáng tác, ông Nguyễn Văn Trí, Chủ nhiệm CLB Hát ru và hát dân ca Ân Hảo, chậm rãi kể: “Đội văn nghệ xã Ân Hảo (huyện Hoài Ân) ra đời từ những năm 1972, đến nay ngót nghét cũng đã hơn 40 năm. Khi mới thành lập, đội chỉ có dăm bảy người, rồi sau đó tăng dần lên hơn hai mươi người, phần lớn là ở độ tuổi thanh thiếu niên. Hồi ấy, xã Ân Hảo là sự hợp thành của 2 xã Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây như bây giờ. Thành viên đội văn nghệ ở hai phía Tây và Đông ngăn cách bởi con sông An Lão. Mỗi lần tập tành hoặc đi biểu diễn, người lớn tuổi hơn cõng người nhỏ, hoặc có khi phải xắn quần lội sông, lội suối. Vất vả nhưng các thành viên Đội văn nghệ Ân Hảo vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê của mình, đem lời ca tiếng hát phục vụ cách mạng, phục vụ quần chúng nhân dân”.
Sau ngày giải phóng, một số thành viên nòng cốt của Đội văn nghệ Ân Hảo không còn tham gia, nhưng với tình yêu văn nghệ, Đội vẫn duy trì hoạt động và từng bước phát triển mạnh mẽ vào những năm thập niên 90. Đến năm 2012, do yêu cầu nâng cao chất lượng, Đội văn nghệ Ân Hảo lấy tên là CLB Hát ru và hát dân ca Ân Hảo (CLB HRAH). Ngoài các thành viên của CLB HRAH khi xưa vẫn còn tích cực tham gia, nay có thêm nhiều cựu chiến binh, học sinh, thanh niên… đến sinh hoạt, nâng số lượng thành viên CLB lên 40 người với đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Trong đó, có những nghệ nhân nòng cốt như Nguyễn Thị Hào, Hoàng Xuân Lộc, Đào Thị Thức, Đặng Thành Cảnh...
Ban chủ nhiệm CLB HRAH đã chú trọng chất lượng các tiết mục tập luyện biểu diễn, đa dạng các loại hình như hát ru, dân ca, hát bội. Từ đó, phối hợp với các hội, đoàn thể thường xuyên tổ chức tọa đàm, giao lưu với các địa phương lân cận như xã Ân Tín, Ân Nghĩa, Ân Mỹ... và duy trì sinh hoạt đều đặn mỗi tháng hai lần, có biểu diễn các chương trình văn nghệ sinh động nên thu hút đông đảo nhân dân đến xem. “Nét đặc trưng của những câu hát ru, dân ca Hoài Ân nói riêng và Bình Định nói chung là gần gũi với đời sống lao động, thiết tha tình quê hương, ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng, sử dụng ngôn từ “đậm đặc” xứ Nẫu mình. Làm sao để lưu truyền câu hát ru, dân ca đúng chất, giữ được “cái hồn” của nó đến thế hệ trẻ là điều trăn trở của những nghệ nhân cao tuổi chúng tôi”, nghệ nhân Nguyễn Thị Hào, thành viên CLB HRAH, tâm tình.
Hơn 40 năm trôi qua, các thế hệ thành viên CLB HRAH đã có sự tiếp nối giữ gìn ngọn lửa đam mê nghệ thuật truyền thống, góp phần đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần cho người dân. Nhiều thành viên CLB HRAH đã đoạt được thành tích cao tại các hội thi, hội diễn, liên hoan hát ru và hát dân ca có quy mô cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc. Ông Nguyễn Việt Quốc, cán bộ phụ trách phong trào văn nghệ quần chúng của Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Ân, nhận xét: “CLB HRHA đã góp phần phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở huyện Hoài Ân. Từ mô hình CLB HRHA, huyện sẽ nhân rộng ra các xã Ân Tín, Ân Mỹ, Ân Nghĩa... để giữ gìn, phát huy các loại hình nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống quê hương”.
KIM CƯƠNG