GÓP Ý DỰ THẢO VĂN KIỆN ÐẠI HỘI ÐẢNG LẦN THỨ XII:
Đổi mới giáo dục và đào tạo cần phải thực chất hơn
Nhìn nhận một cách khách quan tình hình và những hạn chế, khuyết điểm của nền giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) nước ta trong thời gian qua, tôi xin góp một số ý kiến về nhiệm vụ và giải pháp đổi mới GD&ĐT:
- Về đội ngũ giáo viên (GV): Cần phải lãnh đạo chặt chẽ để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT”, ban hành các chính sách để thực sự coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Một trong các giải pháp quan trọng có tính chất quyết định là xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục từ cơ quan quản lý vĩ mô đến các cơ quan quản lý giáo dục địa phương và các cơ sở giáo dục. Trước đây, chỉ tiêu đào tạo GV của các trường đại học được căn cứ vào kế hoạch nhu cầu bổ sung GV từng năm do các địa phương lập. Nhờ đó, hiện tượng lãng phí đào tạo GV được giảm đi, cuộc chạy đua tìm việc làm của sinh viên được đào tạo ra đỡ căng thẳng, hạn chế nguyên nhân phát sinh tiêu cực. Do vậy, cần tổ chức lại công tác đào tạo nhà giáo cho sát với nhu cầu sử dụng, không để quy mô đào tạo GV tự phát tách rời nhu cầu bố trí sử dụng như lâu nay. Xóa bỏ hình thức đào tạo GV bằng cách bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ngắn hạn cho những người tốt nghiệp đại học các trường ngoài sư phạm. Việc chuẩn hóa trình độ đào tạo GV là cần thiết nhưng phải hết sức tránh tình trạng GV đua nhau chạy theo bằng cấp bằng mọi cách nhưng không chịu “thực học”, dẫn đến “bằng cấp thật, chất lượng giả”, khó đáp ứng yêu cầu thực nghiệp. Chuẩn hóa trình độ đào tạo phải đi đôi với việc áp dụng cơ chế đánh giá khách quan đối với chất lượng, hiệu quả hành nghề của mỗi GV như nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến đang áp dụng.
- Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: Cần chú trọng, tính toán các bước đi phù hợp với khả năng đầu tư của ngân sách cho đào tạo, bồi dưỡng GV, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy học. Cần nghiên cứu, thử nghiệm hẹp các thay đổi lớn tránh tình trạng biến học sinh thành đối tượng thí nghiệm của các nhà khoa học và các tổ chức viện trợ.
- Về xã hội hóa GD&ĐT: Đề nghị có xã hội hóa giáo dục nhưng phải giữ vững hệ thống giáo dục quốc dân, tuyệt đối không thương mại hóa giáo dục, không cổ phần hóa nhà trường. Đề nghị nhà nước có quy định mức thu học phí, tất cả được tính vào học phí tránh tình trạng lợi dụng các tổ chức được lập ở nhà trường thu các khoản “tự nguyện” cho nhà trường, gây bức xúc trong nhân dân.
TS HUỲNH ĐĂNG KHANH
(Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh)
NGUYỄN PHÚC (lược ghi)
Nội dung: Cần đi vào chất. Nhiều trường chạy theo thành tích để giữ vững danh hiệu trường chuẩn mà áp đặt tỉ lệ % cho giáo viên. Thực chất học sinh tỉnh ta hỏng kiến thức quá nhiều. Đến khi nào mới bằng Singapore? Mong các nhà quản lý hãy vì nền giáo dục nước nhà, vì sự phồn vinh của đất nước, hãy đánh giá đúng thực chất đi.