Trôi nổi mỹ phẩm không rõ nguồn gốc
Hiện nay, tình trạng buôn bán tràn lan mỹ phẩm không có hóa đơn chứng từ, không tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, không được kiểm soát về chất lượng ngày càng phổ biến. Thực trạng này khiến người tiêu dùng khó phân biệt đâu là hàng chính hiệu, đâu là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và dễ mắc các chứng bệnh về da khi sử dụng.
Bày bán tràn lan từ vỉa hè đến cửa hiệu
Thông tư 06/2011/TT-BYT ngày 25.1.2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm quy định: Để các sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu được lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, nhập khẩu mỹ phẩm phải công bố sản phẩm; có hồ sơ thông tin sản phẩm; yêu cầu an toàn về sản phẩm; lấy mẫu mỹ phẩm để kiểm tra chất lượng. Tuy nhiên, nhiều loại mỹ phẩm như nước hoa, son môi, phấn, kem dưỡng da… được bày bán tràn lan từ vỉa hè đến các cửa hiệu, mà không tuân thủ các quy định bắt buộc này.
Dạo quanh khu vực chợ đêm (ở góc đường Lê Duẩn - Nguyễn Tư, TP Quy Nhơn) vào tối 6.10, chúng tôi rất dễ tìm thấy các loại mỹ phẩm làm nhái các thương hiệu nổi tiếng như Calvin Klein, Chanel, Versace... được trưng bán la liệt như hàng tạp hóa, với giá từ 50.000 - 300 ngàn đồng/sản phẩm. Săm soi nhãn mác một chai nước hoa nhãn hiệu Calvin Klein 200 ml dành cho nam giới có giá 250 ngàn đồng chúng tôi được người bán đon đả: “Cứ yên tâm, hàng giá rẻ nhưng đảm bảo giữ được hương thơm lâu, không gây kích ứng da”. Trong khi đó, cũng loại sản phẩm này nhưng nếu là sản phẩm chính hãng bán ra thị trường với giá hơn 1,3 triệu đồng.
Tại một số cửa tiệm ở TP Quy Nhơn, tình trạng bày bán tràn lan các loại mỹ phẩm không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường cũng khá phổ biến. Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Đơn cử như ngày 10.9.2015, tại Shop S. trên đường Tăng Bạt Hổ, đội QLTT cơ động kiểm tra, phát hiện và tịch thu 50 chai, lọ nước hoa các loại; 48 cây son môi; 107 hộp phấn do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, không dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt. Trước đó, ngày 9.9.2015, tại cửa hàng M.C trên đường Nguyễn Thái Học, đội QLTT cơ động cũng phát hiện và tịch thu 201 cây son môi, 52 chai nước hoa các loại do vi phạm hành vi tương tự.
Thông thường, mỹ phẩm phải được bảo quản, bày bán đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định. Thế nhưng có mặt tại chợ Phước Thuận (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước), chúng tôi nhìn thấy hầu hết các loại mỹ phẩm đều được bày trên tấm bạt, khay nhựa, tủ gỗ và nằm ven lối ra vào chợ, xen kẽ với hàng cá thịt, quần áo. Tại một số chợ nông thôn như chợ mới Phước Sơn (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), hay chợ Bồng Sơn (thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn), tình trạng tương tự cũng diễn ra.
Cẩn trọng khi sử dụng mỹ phẩm giá rẻ
Mỹ phẩm từ lâu đã trở thành mặt hàng phổ biến trong cuộc sống của mọi người, nhất là phái nữ. Đánh vào tâm lý ham rẻ của khách hàng là học sinh, sinh viên hoặc người có thu nhập không cao, các đối tượng bất chấp pháp luật đã sản xuất nhiều loại mỹ phẩm giả, kém chất lượng bằng cách tự pha chế, pha trộn hoặc nhập lậu hàng trong đó có hoạt chất bị cấm, chất phụ gia taraben, corticoid, chì, thủy ngân.
Theo tiến sĩ - bác sĩ chuyên khoa da liễu Vũ Tuấn Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, thì khi sử dụng các loại mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường, người tiêu dùng dễ mắc các chứng bệnh về da liễu như nổi mẩn đỏ do bị dị ứng, giãn mạch máu và ảnh hưởng xấu đến gan, thận, hệ thần kinh trung ương. Vì thế, người tiêu dùng nên lựa chọn kỹ sản phẩm trước khi sử dụng; nếu gặp các phản ứng bất thường về da thì nên ngừng sử dụng và đi khám.
Còn ông Trần Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT, cho biết: Để góp phần quản lý, ngăn chặn các loại mỹ phẩm trôi nổi, Chi cục QLTT sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra tại các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm theo pháp luật. Ngoài ra, người sử dụng mỹ phẩm cũng nên thận trọng khi chọn mua và nói không với các sản phẩm không rõ nguồn gốc.
PHÚC LỘC