Thực hiện Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh: Hoạt động văn hóa có nhiều tiến bộ
Trong Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần XIX, đã kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh. Theo báo cáo đánh giá, các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa đã có nhiều tiến bộ.
Sự tiến bộ trong các hoạt động văn hóa đã được báo cáo nêu ra ở một số mặt: Công tác bảo tồn, trùng tu, xây dựng các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng và kháng chiến được chú trọng. Các giá trị văn hóa truyền thống được phát huy. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từng bước đi vào chiều sâu. Các lễ hội đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, có tác dụng tốt trong giáo dục tư tưởng, tinh cảm và gắn kết cộng đồng. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa được mở rộng…
Liên hoan “Trích đoạn tuồng Đào Tấn” là một trong những hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Nhiều hoạt động có hiệu quả
Trong 5 năm qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương liên quan; ủng hộ xã hội hóa của các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân… công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tiến bộ. Nhiều di tích cách mạng đã và đang được quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo, xây dựng mới ở nhiều địa phương trong tỉnh như: Nhà Lưu niệm Chi bộ Đề Pô Diêu Trì, Nhà lưu niệm Chi bộ Vạn Đức, Khu di tích cách mạng Núi Bà, Đền thờ Chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ, Khu di tích lịch sử Núi Chéo, Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê, Lăng Mai Xuân Thưởng… với tổng kinh phí hàng trăm tỉ đồng. Các di tích về phong trào Tây Sơn đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm. Khu Đền thờ Tây Sơn tam kiệt đã được Thủ tướng Chính phủ có quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2014. Dự án mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung cũng đang được tiến hành…
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua cũng ngày càng phát triển, hiện có 345.227/380.374 hộ được công nhận gia đình văn hóa (chiếm tỉ lệ 90,77%, tăng 2,31% so với năm 2010), 628/918 khu dân cư được công nhận danh hiệu làng văn hóa, thôn văn hóa (chiếm tỉ lệ 68%, tăng 24,88% so với năm 2010). Sự phát triển về bề rộng và từng bước đưa phong trào xây đựng đời sống văn hóa đi vào chiều sâu, đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Điểm nổi bật trong phát huy những các giá trị văn hóa truyền thống trong 5 năm qua, đó là các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Bình Đình đã và đang nhận được sự quan tâm đầu tư hơn. Võ cổ truyền, hát bội, bài chòi Bình Định đã được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghệ thuật bài chòi dân gian cũng góp phần quan trọng để Bộ VH-TT&DL xây dựng hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung” đề cử UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tiếp tục nâng cao
Trong Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần XIX, cũng đã đề xuất phương hướng, mục tiêu nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trong đó, có những nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa như: Chú trọng đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa tương xứng với vai trò văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững; phấn đấu mức đầu tư ngân sách cho văn hóa tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị; gắn phát triển văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, với chương trình xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị; từng bước thu hẹp khoảng cách, mức hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương trong tỉnh…
Các nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ mới cũng xác định phải huy động các nguồn lực để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tiếp tục đầu tư, xây dựng, tôn tạo, bảo vệ các di tích văn hóa lịch sử, di tích cách mạng và kháng chiến, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; xây dựng các công trình văn hóa cấp huyện, xã, phường. Đầu tư xây dựng mới Bảo tàng Tổng hợp tỉnh; nâng cấp cơ sở vật chất Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định.
NSƯT Gia Thiện, Phó giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Đào Tấn, bày tỏ: “Việc đầu tư nâng cấp cơ cở vật cho Nhà hát tuồng Đào Tấn được nêu trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, đã cho thấy sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. Hiện khu Hội trường biểu diễn của Nhà hát đã xuống cấp, mong rằng thời gian tới sẽ được tiến hành cải tạo lại để góp phần đáp ứng tốt hơn cho việc tập luyện, biểu diễn phục vụ khán giả…”.
HOÀI THU