Canh cánh với nỗi lo sông lở bờ
Hiện tượng bờ các sông ở tỉnh ta bị sạt lở đã trở thành nỗi lo thường xuyên của người dân, nhất là vào mùa mưa bão. Mặc dù các địa phương và ngành chức năng có nhiều nỗ lực trong việc kiên cố hóa các tuyến đê sông, nhưng nguồn kinh phí có hạn nên xây dựng chỗ này thì chỗ khác hư hỏng, nỗi lo lắng của người dân vì thế vẫn còn canh cánh.
Đến hẹn lại… lo
Hơn 10 năm qua, vào mùa mưa lũ, 50 hộ dân ở thôn Hòa Trung, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn lại sống trong cảnh nơm nớp âu lo trước tình trạng bờ sông Côn bị sạt lở. Đến nay, vệt xâm thực bờ sông đã kéo dài gần 1,5km và tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Trong đó, xóm 6, 7 và xóm 8 (thôn Hòa Trung) là những nơi bị sạt lở trầm trọng nhất.
Tại nhiều vị trí thuộc xóm 7, thôn Hòa Trung, nước sông đã “ăn” sát vô bờ, chỉ còn cách đất sản xuất của người dân 2m.
“Để cứu diện tích đất canh tác, hạn chế nạn xâm thực ảnh hưởng đến cuộc sống, nhiều hộ dân sống trong vùng bị ảnh hưởng đã gia cố bờ sông bằng cách trồng tre, trúc, rù rì. Song cũng không ăn thua gì, bởi sau mỗi mùa lũ, tất cả cây cối nằm dọc sông đều bị nước cuốn phăng”, ông Trần Văn Minh (53 tuổi, ở xóm 7, thôn Hòa Trung), cho biết.
Tại xã Nhơn An, TX An Nhơn, 3 năm gần đây, 300 hộ gia đình sinh sống ở phía Nam sông Gò Chàm, đoạn đê hạ lưu đập Gò Đậu (thôn Tân Dân) và đoạn đê trước khu dân cư trại chăn nuôi (thôn Tân Dương) lại ăn ngủ không yên vì tuyến đê bị sạt lở khá nghiêm trọng. Tương tự, ở phía Bắc sông Gò Chàm, nhiều đoạn trên tuyến đê sông từ cầu Đập Đá chảy xuống 2 thôn Thanh Liêm và Thuận Thái dài trên 5km cũng bị xâm thực nghiêm trọng, tạo ra những “hàm ếch” gây nguy cơ sạt lở, vỡ đê ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân và 360 ha đất sản xuất.
Nếu ở Tây Sơn, An Nhơn canh cánh nỗi lo bờ sông sạt lở thì ở huyện Vân Canh tình trạng suối lấn vào vườn nhà đang diễn ra dữ dội tại khu vực bờ suối Ngô La, thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh. Không chỉ làm mất đất sản xuất, hư hỏng tài sản của người dân, nạn sạt lở đang đe dọa đến sự an nguy của cầu Ngô La (thuộc quốc lộ 19C). Huyện Vân Canh tiến hành gia cố bằng rọ đá tại 2 chân cầu bị xói lở nhưng giải pháp này chỉ như để trấn an người dân chứ hiệu quả thì chẳng được mấy.
Nỗ lực khắc phục
Trước thực trạng trên, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã nỗ lực xây dựng các bờ kè ngăn chặn sạt lở, gia cố các tuyến đê vững chắc nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Đến nay, Chi cục Thủy lợi, Đê điều và Phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT) đã hoàn thành việc nâng cấp, sửa chữa 5,7 km đê xung yếu trên hệ thống đê sông Côn thuộc địa bàn các xã: Nhơn Phúc, Nhơn Hậu, Nhơn An (TX An Nhơn); xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước), góp phần tạo sự yên tâm cho hàng chục ngàn người dân trong khu vực. Cụ thể, đê Tân Dân - Tân Dương (xã Nhơn An) dài 1.882m; đê Sông Nghẹo (xã Nhơn Hậu) dài 1.570m; đê Thắng Công (xã Nhơn Phúc) dài gần 1km và đê hạ lưu cầu Bà Di (xã Phước Lộc) dài 1,03 km...; tổng kinh phí gần 60 tỉ đồng.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, Bộ NN&PTNT tiếp tục cho phép tỉnh ta triển khai giai đoạn 2 của Dự án Quản lý thiên tai với tổng vốn đầu tư trên 101 tỉ đồng. Các tiểu dự án sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới gồm: sửa chữa, nâng cấp hệ thống cống lấy nước và tràn xả lũ hồ chứa nước Núi Một (xã Nhơn Tân, TX An Nhơn) với tổng mức đầu tư 82,17 tỉ đồng; xây dựng kè Bằng Châu - Thanh Liêm (TX An Nhơn) trên 20,1 tỉ đồng; nâng cấp hệ thống đê sông Hà Thanh (đoạn từ hạ lưu cầu Diêu Trì đến đập Cây Dừa - huyện Tuy Phước) vốn đầu tư trên 13,15 tỉ đồng. Hiện Chi cục đang hoàn thành các thủ tục đầu tư để trình Bộ NN&PTNT phê duyệt, bố trí vốn để triển khai. Công trình đê sông Côn giai đoạn 1 và 2 thuộc Dự án Quản lý thiên tai do Ngân hàng Thế giới tài trợ cùng với nguồn vốn đối ứng của Trung ương và địa phương. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 7.2013 đến tháng 7.2019.
Năm 2015, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và ngân sách địa phương, UBND huyện Tuy Phước đã triển khai kiên cố hóa 11 công trình kè chống sạt lở đê sông, đê biển trên địa bàn huyện với tổng chiều dài gần 12,1 km với tổng kinh phí gần 142 tỉ đồng. Các công trình trọng điểm là: đê sông Tân An (Phước Quang, Phước Hiệp); đê sông Hà Thanh đoạn Cừ Thuộc (xã Phước Thành), đê biển hạ lưu đập Nha Phu giai đoạn 2 (xã Phước Hòa) và đê sông Côn hạ lưu 3 xã (Phước Hòa, Phước Hiệp và Phước Quang)… Tất cả, các công trình trên đều được thi công đúng tiến độ.
Tuy nhiên, với địa hình tự nhiên có nhiều sông ngòi, luồng lạch trên địa bàn tỉnh, hiện nay vẫn còn rất nhiều điểm đê sông sạt lở; kinh phí không đủ để cùng lúc kiên cố hóa các công trình. Vì vậy, đối với những hộ dân vẫn đang sống trong khu vực bị sạt lở mà chưa có kinh phí để đầu tư xây dựng công trình đê kè kiên cố, ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Đê điều và Phòng chống lụt bão - kiêm Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh, cho biết: “Hiện nay, Ban chỉ huy PCTT - TKCN các địa phương đã chủ động kiểm tra, chuẩn bị bố trí trước địa điểm di dời dân trong những trường hợp cần thiết, cắm biển báo vùng có nguy cơ sạt lở để người dân chủ động đề phòng và sơ tán kịp thời. Đồng thời, bố trí các trang thiết bị, nhu yếu phẩm, thuốc men và lương thực theo phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng kế hoạch và phương án phòng, chống chi tiết cho những vùng trọng điểm, vùng xung yếu”.
Một mùa mưa nữa lại đến gần, thêm một lần nữa hàng ngàn hộ dân sống ở vùng bị sạt lở lại tiếp tục phải sống trong tình trạng thấp thỏm. Các giải pháp sơ tán, di dời dân trong mùa mưa bão chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài chính quyền các cấp cần hỗ trợ người dân di dời đến nơi ở mới an toàn; ngành chức năng cần bố trí kinh phí phù hợp để xây dựng các tuyến đê kè theo hướng kiên cố nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản người dân.
TRỌNG LỢI - HỒNG PHÚC