Bơ vơ tuổi già
1.
Một bà cụ gầy còm cầm chiếc nón lá vẫy vẫy từ xa làm các thành viên trên chuyến xe tình nguyện đi khám bệnh miễn phí của chúng tôi chú ý. Xe dừng lại, bà cụ bước lên xe bằng những bước chân run rẩy. Biết đoàn chúng tôi cũng đến UBND xã để tổ chức hoạt động tình nguyện, bà mới thở phào.
Sáng nay, bà đến UBND xã để được khám chữa bệnh miễn phí và nhận quà. Hỏi vì sao không có ai chở bà đi, bà bảo: “Con cháu đều bận. Có đứa cháu không bận thì bà chờ mãi không thấy đến. Sang nhà, gọi lại lần nữa thì nó không nói gì, chỉ ngồi xem ti vi. Thấy không nhờ được nên bà tự đi. May mà quá giang được xe của mấy cô chú”.
Có đến 6 người con, nhưng ở tuổi xế chiều, bà cụ vẫn phải ở một mình. Hai trong số 6 người con đều sống gần nhà bà nhưng chẳng mấy khi về thăm. Theo gương cha mẹ, mấy đứa cháu cũng trở nên thờ ơ với bà.
2.
Ba tháng nay, ông cụ ấy ngày nào cũng lui cui ngoài vườn rau. Trước mỗi phiên chợ, ông phải thức dậy sớm hơn. Ở chợ, giữa rất nhiều cô, dì, ông cụ bán rau trở nên nổi bật. Người ta biết ông thay vợ ra chợ vì bà bị tai biến từ 3 tháng trước. Sau giờ ra chợ, ông lui cui xoa nắn, tập luyện cho bà. Chiều mát, ông còn đưa bà ra vườn rau để bà hóng gió, tập luyện đi lại.
Hàng xóm kể, ông bà hiếm con, chỉ có mỗi cô con gái. Chị lấy chồng xa, cố gắng lắm, mỗi năm cũng chỉ có thể về thăm cha mẹ hai lần. Là dân lao động, chị cũng chẳng đủ khả năng chu cấp cho cha mẹ mỗi tháng. Vậy nên, tuổi gần 80, ông bà vẫn phải mưu sinh.
3.
Cứ tưởng khi đã dành trọn tuổi trẻ, sức khỏe cho con cháu, đến tuổi già, các cụ sẽ được nghỉ ngơi, sống trong yêu thương, đoàn viên. Nhưng còn một bộ phận không nhỏ các cụ sống trong điều kiện khó khăn với nhà cửa xập xệ, phải mưu sinh vất vả… Và không ít người cao tuổi không được người thân, gia đình kính trọng, chăm sóc, nuôi dưỡng; cá biệt có cụ còn bị hắt hủi, ngược đãi.
Nhân Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam với chủ đề năm 2015 là hướng đến người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, thiết nghĩ chính quyền các cấp cần quan tâm, giúp đỡ hơn nữa người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa. Và quan trọng hơn cả, những người con, người cháu hãy cùng suy ngẫm lại. Ai đã từng vì nhọc nhằn cơm áo mỗi ngày, vì hoàn cảnh khó nói mà có những lời nói, những hành động làm ông, bà, cha mẹ phải phiền lòng, tủi thân, hãy sửa chữa và bù đắp. Đừng để người già bơ vơ, bởi một ngày kia sẽ không còn cơ hội để thực hiện điều đó. Bởi chúng ta rồi cũng sẽ già, cũng sẽ mong muốn những điều mà ông bà, cha mẹ mình đang mong muốn…
HÀ THANH