Sẽ gia nhập thêm một công ước quốc tế nhằm thúc đẩy hội nhập
Chiều 13.10, UBTVQH đã thảo luận và nhất trí để Chủ tịch nước quyết định việc tham gia Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại.
Đây là bước chuẩn bị pháp lý quan trọng để Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy hội nhập.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo trước UBTVQH.
Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày, việc gia nhập Công ước La Hay một mặt thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, mặt khác thể hiện sự sẵn sàng hợp tác của Việt Nam với các nước trong việc cùng hỗ trợ nhau giải quyết những vấn đề tư pháp quốc tế.
Về kinh tế-xã hội, việc gia nhập Công ước Tống đạt sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu dân sự, thương mại và qua đó cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam thông qua việc nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc cần ủy thác tư pháp ra nước ngoài.
Cụ thể, sẽ giúp cho hoạt động tống đạt giấy tờ của Việt Nam ra nước ngoài có kết quả và thời gian thực hiện ngắn hơn nhiều so với quy trình thực hiện ủy thác hiện nay, góp phần giải quyết được tình trạng “ách tắc” trong công tác tương trợ tư pháp về dân sự và xét xử các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài đảm bảo quy trình tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức và cá nhân Việt Nam và nước ngoài.
Bên cạnh đó, những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện tống đạt giấy tờ cũng sẽ được kịp thời xử lý, tránh được tình trạng không biết được nguyên nhân chậm trễ trong việc thực hiện ủy thác tư pháp với các vụ việc dân sự cụ thể hiện nay.
Những quan điểm này, cùng với sự cần thiết nên tham gia Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại cũng đã được Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhất trí cao.
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày cũng cho rằng, có thể cần bổ sung một số quy định của pháp luật Việt Nam ở cấp độ thông tư để tạo thuận lợi cho việc thực hiện Công ước. Ngoài ra, dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự cũng cần quy định rõ hơn các kênh tống đạt và các quy định về xử lý kết quả tống đạt ra nước ngoài tại Tòa án.
Các Ủy viên Thường vụ Quốc hội cũng đã phân tích và cho rằng việc tham gia Công ước Tống đạt cũng góp phần giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống thể chế liên quan đến tư pháp quốc tế thông qua việc áp dụng những chuẩn mực quốc tế về tương trợ tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao lưu kinh tế, thương mại và dân sự của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, qua đó thúc đẩy hội nhập quốc tế của đất nước.
Một số ý kiến cũng phân tích thêm về quy trình, thủ tục để tuyên bố gia nhập Công ước.
Kết luận buổi họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, việc tham gia Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại là cần thiết nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn nữa, đồng thời đón đầu những thỏa thuận từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam sẽ ký kết trong thời gian tới.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, việc ký tham gia Công ước này thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước được quy định tại Khoản 6 Điều 88 của Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2013. Trên cơ sở đó, Thường vụ Quốc hội nhất trí giao Chính phủ hoàn tất báo cáo để trình Chủ tịch nước ký tham gia Công ước.
Công ước Tống đạt do Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế soạn thảo và được thông qua ngày 15.11.1965, có hiệu lực từ ngày 10.2.1969.
Hiện nay, có 68 quốc gia tham gia là thành viên. Nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Kuwait… đã là thành viên của Công ước.
Công ước này áp dụng cho các vụ việc về dân sự hoặc thương mại có yêu cầu phải tống đạt giấy tờ tư pháp hoặc ngoài tư pháp ra nước ngoài.
Khi trở thành thành viên của Công ước Tống đạt, Việt Nam sẽ có các quyền cơ bản gồm yêu cầu các quốc gia thành viên khác thực hiện các yêu cầu tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp của mình theo quy định Công ước; lựa chọn tuyên bố áp dụng hoặc không áp dụng các hình thức tống đạt của Công ước, phù hợp với pháp luật và điều kiện của Việt Nam. Cùng với đó, Công ước cũng quy định các quốc gia thành viên có quyền rút khỏi Công ước bất kỳ thời điểm nào.
Về nghĩa vụ, Việt Nam sẽ phải thực hiện các yêu cầu tống đạt giấy tờ của các quốc gia thành viên khác phù hợp với phạm vi, yêu cầu và quy trình thủ tục được quy định tại Công ước này.
Theo Xuân Tuyến (Chinhphu.vn)