Tổng lực chống sốt xuất huyết
“Số ca sốt xuất huyết Dengue tuy tăng nhanh nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của chúng ta. Tuy nhiên, vẫn phải cảnh giác ở mức độ cao trong mọi phương diện, nhất là về điều trị để hạn chế thấp nhất tử vong”.
Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng đã nhấn mạnh như thế tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết (SXH) của Bộ Y tế vào hôm qua (14.10). Đoàn kiểm tra do PGS.TS Hồ Văn Hoàng, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn phụ trách, cùng đại diện Viện Pasteur Nha Trang và Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh.
“Lơ là”
Đó là nhận định của ngành Y tế về ý thức phòng bệnh SXH của đại bộ phận người dân. Biểu hiện cụ thể là không tự giác kiểm tra và loại trừ ổ bọ gậy tại hộ gia đình, chưa hợp tác tốt với nhân viên y tế khi tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, thậm chí nhiều gia đình nhất quyết không mở cửa khi phun hóa chất. Tỉ lệ hộ không được phun hóa chất chiếm đến 20-40%.
Hoạt động điều trị được quan tâm đặc biệt để hạn chế thấp nhất tử vong do SXH.
- Trong ảnh: Điều trị cho trẻ bị SXH nặng tại khoa Nhi, BVĐK tỉnh.
“Ngay cả gia đình có người mắc bệnh, không phải họ không biết cách phòng, nhưng vẫn làm lơ, chúng tôi có đến thì cũng phải tự tay dọn đổ những vật dụng chứa nước có bọ gậy”, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bùi Ngọc Lân ngao ngán nói. Trên thực tế, mỗi lần phát hiện ổ dịch, ngành Y tế phải tổ chức chiến dịch dọn vệ sinh, vừa phun hóa chất, trong khi người dân gần như đứng ngoài cuộc.
Trưa 14.10, chúng tôi cùng đoàn kiểm tra có mặt tại tổ 3, khu vực 3, phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn. Sau khi phát hiện 2 ca bệnh, khu dân cư này đã được phun hóa chất diệt muỗi vào ngày 10.10. Tuy nhiên, các cán bộ y tế vẫn dễ dàng bắt được muỗi Anopheles trong nhiều gia đình, nhất là tại các phòng trọ của sinh viên. Sau nhà số 21 Trần Văn Ơn là một bể ximăng lớn đã tháo nước vì không còn nuôi tôm giống. Tuy nhiên, ở góc bể là 2 vũng nước tù rất sâu, nhung nhúc bọ gậy. Phó Trưởng Trạm y tế phường Nguyễn Văn Cừ Nguyễn Trọng Bình thở dài: “Dù có phun bao nhiêu lần đi nữa mà người dân cứ chủ quan như thế này thì làm sao hết muỗi được!”.
Bên cạnh yếu tố thời tiết có mưa nhỏ vào ban đêm, ý thức kém của người dân là nguyên nhân chính làm SXH bùng phát. Tính đến ngày 8.10, toàn tỉnh đã ghi nhận 580 ca SXH, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2014. Số mắc tập trung chủ yếu ở TP Quy Nhơn (218 ca) và huyện Phù Cát (130 ca), chiếm 60% số trường hợp mắc của cả tỉnh. Toàn tỉnh cũng ghi nhận 48 ổ dịch, tăng 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2014.
Tập trung nguồn lực
Số ca SXH Dengue ghi nhận tại Bình Định đặc biệt tăng nhanh trong tháng 8 (93 ca) và tháng 9 (154 ca). Tuy nhiên, theo thạc sĩ Bùi Ngọc Lân, với quy luật dịch tễ của bệnh, cùng điều kiện thời tiết bắt đầu vào mùa mưa, dự báo số mắc sẽ tăng mạnh ở tất cả các địa phương và đạt đỉnh vào tháng 11-12, tương tự diễn biến SXH năm 2012. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai giám sát đồng bộ bệnh nhân - huyết thanh - côn trùng, chú trọng phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ, tăng cường vai trò của y tế xã, thôn”, ông Lân cho hay.
Bệnh nhân SXH tăng đột biến
Theo số liệu thống kê của BVĐK tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2015, Bệnh viện tiếp nhận và điều trị 413 ca SXH, tăng 241% so với cùng kỳ năm 2014. Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Nguyễn Hoàng Minh cho biết: điểm đáng chú ý là từ tháng 1 đến tháng 7, số ca bệnh không quá 52 ca/tháng; song, đến tháng 8, con số này tăng lên 87 ca, đến tháng 9 lại vọt lên 121 ca. Số người lớn mắc bệnh khá cao (227 ca).
Trong khi đó, thạc sĩ Lê Quang Hùng yêu cầu các cơ sở điều trị phải thực hiện nghiêm túc quy định chuyển tuyến khám chữa bệnh và phân tuyến điều trị bệnh SXH Dengue của Bộ Y tế. “Điều trị phải tuân thủ phác đồ, khi thấy nghi ngại, không “chắc tay” thì chuyển ngay lên tuyến trên, nhất quyết không để xảy ra tử vong”, ông Hùng lưu ý.
Theo PGS.TS Hồ Văn Hoàng, tuy số ca SXH tại Bình Định có tăng nhanh, nhưng đáng ghi nhận là chưa xảy ra tử vong, hoạt động xử lý ổ dịch cũng được triển khai kịp thời trước mốc 24 giờ. Tuy nhiên, mấu chốt vẫn là nâng cao ý thức của người dân, do đó công tác truyền thông cần được chú trọng hơn nữa.
“Có điểm dân cư ở Khánh Hòa phun hóa chất 7 lần, ở Phú Yên phun 3 lần, nhưng kiểm tra lại thì vẫn còn bọ gậy. Phun hóa chất mà không diệt bọ gậy thì cũng công cốc. Tuy nhiên, để loại trừ triệt để bọ gậy, nâng cao hiệu quả phòng SXH, một mình ngành Y tế không thể làm được. Sở Y tế cần tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các địa phương cùng vào cuộc, phải thật sự quyết tâm, tập trung nhiều nguồn lực mới chặn được dịch SXH”, ông Hoàng khẳng định.
NGUYỄN VĂN TRANG
Tại sao bệnh SXH đã đến thời điểm nghiêm trọng mà nhà nước không can thiệp xử lý, giúp các địa phương phun thuốc ở các ổ dịch. Sáng nay có một cô y tá nào đó ở bên trung tâm y tế dự phòng đến hỏi và điều tra các bệnh nhân bị bệnh SXH ở Bệnh viện Phù Cát nhưng chưa kịp hỏi gì đã vội vã bỏ đi là sao? Thiết nghĩ người này thiếu trách nhiệm vô cùng và lơ là chức trách quá....