Công chức ngày làm mấy giờ mà lại muốn lương cao?
Năng suất lao động thấp nhưng thử hỏi công chức ngày làm bao nhiêu giờ, thực tế làm bao nhiêu ngày?
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam năm 2013 được xếp vào nhóm thấp nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương; thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần, Thái Lan 2,5 lần. Số liệu thống kê của Tổ chức năng suất châu Á cho thấy, NSLĐ của Việt Nam thấp hơn 2 lần so với năng suất bình quân của khu vực ASEAN.
Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lực lượng lao động dồi dào. Năm 2013, dân số từ 15 tuổi trở lên là 69,3 triệu người, lực lượng lao động cả nước đạt 53,7 triệu, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chiếm đến 77,5%.
Lao động dồi dào, sao NSLĐ vẫn thấp?
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng Giám đốc Tổng Công ty may Hưng Yên, hiện nay Việt Nam có khoảng 65 triệu lao động với con số 200 tỉ GDP, so với NSLĐ quốc gia như vậy thì quá thấp.
Đánh giá cho thấy, Việt Nam đang ở tình trạng có cơ cấu lao động vàng, với nguồn tài nguyên lao động quý giá. Nhưng nếu không biết khai thác thì đó là điều vô cùng lo ngại - người ta ví như vàng chôn dưới đất không được khai thác. Thậm chí một lượng lớn nguồn lao động được đào tạo, như hàng triệu cử nhân vẫn đang thất nghiệp.
Đào tạo lao động ở Việt Nam chưa bắt kịp với nhu cầu doanh nghiệp là một trong những trở ngại trong tăng năng suất lao động (Ảnh minh họa)
“Vậy tại sao năng suất thấp? Có thể nói rằng, NSLĐ thấp nhưng thử hỏi công chức ngày làm bao nhiêu giờ, thực tế làm bao nhiêu ngày? Nghèo nhưng làm ít, mà lương lại muốn cao? Tôi đã với vai trò Tổng Giám đốc Tổng Công ty hơn 10 năm, đã từng làm Chủ tịch công đoàn, lao động tiền lương, theo tôi, Việt Nam hiện chỉ cho phép 200 giờ làm thêm/năm, như vậy là thấp so với thế giới. Cơ chế chính sách nhà nước cũng cần cải thiện để giúp doanh nghiệp tăng NSLĐ” – ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Dương dẫn chứng: Những doanh nghiệp thu hút được đông đảo lao động là họ thực hiện chính sách làm ngoài giờ một cách linh hoạt để người lao động có thêm thu nhập. Thậm chí công nhân và doanh nghiệp “thỏa thuận ngầm” với nhau để người lao động được làm tăng ca, tăng giờ. Như vậy công nhân vừa có thu nhập, năng suất lao động của doanh nghiệp vừa được cải thiện.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hương Hiền – Phó Trưởng phòng Tiền lương và Quan hệ lao động (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, lực lượng lao động qua đào tạo tại Việt Nam chiếm tỷ lệ quá thấp với gần 20%. Đây là một yếu tố không nhỏ tác động đến NSLĐ của doanh nghiệp.
Các chuyên gia cũng cho biết, tại Việt Nam, đào tạo lao động kỹ thuật cao còn hạn chế. Do sản xuất nhỏ đi lên, cho nên kỷ luật lao động, tay nghề hạn chế. Tất cả làm cho NSLĐ doanh nghiệp tư nhân bị kìm hãm, cản trở nên NSLĐ không phát huy được hết. Đặc biệt những năm lại đây bị tác động nhiều bởi kinh tế thế giới, doanh nghiệp nhỏ vừa giảm rất nhanh. Đời sống người lao động do lạm phát nên không ổn định, không có động lực tăng NSLĐ.
Thất nghiệp tăng, doanh nghiệp vẫn “khát” lao động
Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, một trong những giải pháp để Việt Nam tăng năng suất lao động là phải cải tiến cách thức đào tạo hiện nay. “Nhiều khi đào tạo 3 năm mới được một người thợ, nhưng họ lại không làm được việc gì. Cách đào tạo của chúng tôi là đầu tiên đào tạo đại trà 1 tháng, để lao động có thể làm quen được tất cả những công việc cần thiết, nhưng với tốc độ cao. Sau đó quá trình chọn lọc, sẽ đào tạo nâng cao dần lên. Sau thời gian 2 năm, người lao động được đào tạo đến 5 lần thì thành toàn năng, có thể làm được mọi việc. Đây là con đường đi của doanh nghiệp chúng tôi hiện nay” – ông Dương nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện năng suất Việt Nam cũng khẳng định, việc tranh thủ thời điểm dân số vàng để sử dụng có hiệu quả dân số trong độ tuổi lao động là rất cần thiết. Bên cạnh đó, môi trường của doanh nghiệp là hết sức quan trọng để nâng cao NSLĐ. Với con số gần 80% lao động chưa qua đào tạo, dẫn đến việc tiếp thu khoa học công nghệ còn hạn chế. Cho nên cần đẩy mạnh đào tạo tại chỗ, đào tạo trên công việc…
Dẫn chứng số liệu trên với việc hàng triệu cử nhân, lao động có tay nghề thất nghiệp, trong khi các trường đại học, trường nghề “trăm hoa đua nở”, ông Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận, đây là “nút thắt” trong vấn đề lao động của Việt Nam hiện nay và cần khắc phục mâu thuẫn này.
Ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: “Các trường cần phải quan tâm hơn trong việc đào tạo lực lượng lao động Việt Nam trong thời gian tới. Cần phải xem xét tại sao rất nhiều cơ sở đào tạo mà tỷ lệ lại đạt thấp? Vấn đề có thể người lao động chưa có động lực để tham gia đào tạo nâng cao. Doanh nghiệp cũng chưa làm rõ việc đào tạo sẽ mang lại lợi ích cho mình, nên người lao động chưa chủ động tham gia vào quá trình đào tạo. Còn cứ nói một chiều là hãy học đi thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì”.
“Qua khảo sát chúng tôi thấy doanh nghiệp kêu không tuyển được lao động, nhất là lao động có tay nghề, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ngày một gia tăng. Rõ ràng đã đến lúc các cơ sở đào tạo cần có những chương trình phù hợp với doanh nghiệp. Việc đào tạo rồi để đó, trong khi doanh nghiệp mỏi mòn tuyển lao động là một minh chứng vì sao NSLĐ ở ta quá thấp như vậy” – ông Tuấn nói.
Các chuyên gia nhấn mạnh: Thay đổi mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hiệu quả và tận dụng tốt nhất những lợi thế của đất nước đòi hỏi phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, trong đó nhấn mạnh chất lượng chất xám.
Tuy nhiên trong giai đoạn 2007-2013, lao động trong khu vực năng suất thấp vẫn chiếm tỷ trọng lớn khiến NSLĐ chung của Việt Nam thấp và nguy cơ tụt hậu tiếp tục gia tăng so với các nước trong khu vực.
Những năm vừa qua, mức tăng trưởng GDP tương đối song nhờ khai thác lao động giá rẻ, giá công lao động thấp. Tuy nhiên, tình trạng này không thể kéo dài khi chúng ta ngày càng hội nhập sâu với thế giới.
Theo Lại Thìn/VOV.VN