Vở “Biển và Tôi” của Ðoàn Ca kịch Bài chòi Bình Ðịnh: Dâng nén tâm hương đến các liệt sĩ
Tối 14.10, chào mừng Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Ðoàn Ca kịch Bài chòi Bình Ðịnh đã biểu diễn vở “Biển và Tôi” tại Hội trường Trung tâm Văn hóa tỉnh. Vở diễn đem đến nhiều cảm xúc về sự hi sinh thầm lặng của những người chiến sĩ cách mạng.
Trước khi mở màn vở “Biển và Tôi”, NSND Hoài Huệ, Trưởng Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, đã tạo cảm xúc cho khán giả qua những lời chia sẻ: “Xin cho phép những người nghệ sĩ chúng tôi bằng tác phẩm nghệ thuật thay cho nén hương dâng lên các liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập dân tộc”.
Tưởng nhớ về những “con tàu không số”
Cách đây 12 năm, vở “Biển và Tôi” đã được Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình dàn dựng biểu diễn thành công. Vở diễn là sự tưởng nhớ những hi sinh thầm lặng của các chiến sĩ trên những “con tàu không số” đã vượt qua bao gian khổ, hiểm nguy để vận chuyển vũ khí, trang bị kỹ thuật từ Bắc vào Nam.
Vở diễn bắt đầu khi một con tàu không số đưa hàng vào một làng chài ở vùng biển tỉnh Phú Yên thì bị địch phát hiện bao vây. Trong tình thế nguy cấp, anh Tư Lăng- một chiến sĩ trên con tàu không số, cũng là người con của làng chài đi tập kết ra Bắc vừa mới cập bờ, chưa kịp gặp vợ con sau nhiều năm xa cách- đã xung phong đưa tàu giải vòng vây nhưng không thành. Anh đã quyết định cho tàu nổ tung giữa biển cả để bọn địch không bắt được. Người vợ trẻ của Tư Lăng là Tâm, đã cố nén nỗi đau mất chồng để tiếp tục làm cơ sở cách mạng ở làng chài, âm thầm chấp nhận hi sinh, làm vợ Thiếu tá Rạng để có những thông tin quan trọng giúp nhiều chuyến tàu không số cập bến an toàn.
Đến thời điểm ngụy quân thua chạy khỏi vùng biển Phú Yên vào năm 1975, Tâm đã nói thật về mình với người chồng “bất đắc dĩ”. Có ngờ đâu trong giây phút chuẩn bị chia tay mỗi người mỗi hướng ấy, Thiếu tá Rạng vì bảo vệ cho Tâm mà bị tên Đại úy Đằng bắn chết, trước lúc lâm chung anh mới chịu tiết lộ rằng mình cũng chính là người hoạt động cách mạng bí mật mà lâu nay vợ vẫn hay liên lạc dù không hề biết mặt.
Diễn viên trẻ thêm bước trưởng thành
Được giao đảm nhận nhân vật trung tâm xuyên suốt toàn bộ vở diễn, Bạch Lan đã nỗ lực thể hiện thành công nhân vật Tâm- là một người phụ nữ mạnh mẽ dù trải qua nhiều cung bậc của nỗi đau, bắt đầu từ sự thẩn thờ mất hồn như “hóa đá” khi chồng trên đoàn tàu không số đi xa nhiều năm mới trở về chưa kịp đoàn tụ lại hi sinh ngoài biển cả. Tâm còn phải cắn răng chịu đựng những người đồng đội, người chú, người em thân thiết bị bọn địch giết hại; hay khi bị họ hàng, người dân lên án khi cô quyết định lấy Thiếu tá Rạng. Nỗi đau của Tâm đã lên đến đỉnh điểm ở đoạn cuối vở diễn, khi cô từ “lấy giả đến tình thật” đã thực sự yêu thương trong sự day dứt đối với người chồng luôn bên cạnh bảo vệ vợ; và khi Thiếu tá Rạng đã cận kề cái chết, cô mới được biết sự thật chồng cũng hoạt động cách mạng như mình.
Ở tuyến nhân vật phản diện, chỉ có nhân vật chính là Đại úy Đằng do diễn viên Hoài Tâm thể hiện. Thông qua khai thác nhân vật một cách có chiều sâu qua từng diễn biến tâm lí và hành động, cử chỉ, Hoài Tâm đã thể hiện được sự tàn bạo, xảo quyệt của tên Đằng ngay từ những ánh mắt, cái nhếch mép, hay những tràng cười thâm hiểm. Mỗi lần Đại úy Đằng xuất hiện, khán giả lại nơm nớp lo nguy hiểm sẽ đến với Tâm. Vai Thiếu tá Rạng “phản diện nhưng chính diện” đã được diễn viên Phương Phú thể hiện thành công, nhất là những đoạn thể hiện giằng xé nỗi đau khi thấy những chiến sĩ cách mạng là đồng đội hi sinh nhưng vẫn phải giả bộ mừng vui trong “vỏ bọc” sĩ quan ngụy.
Góp mặt ở đoạn đầu vở diễn, diễn viên Thanh Hải đã để lại ấn tượng đẹp với vai Tư Lăng anh dũng, chấp nhận tan xác giữa biển khơi để bảo vệ bí mật cho con tàu không số. Hoài Thương là diễn viên trẻ nhất, chỉ mới vào Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định được mấy năm, nhưng đã nỗ lực luyện hát, học diễn để thể hiện vai nữ du kích Sáu Thùy đầy gan dạ, khi bị địch đem ra bắn vẫn đầy khí phách người chiến sĩ cách mạng sẵn sàng chấp nhận hi sinh.
HOÀI THU