Chuyện viện phí mới !
Bộ Y tế đã chính thức công bố lộ trình tăng viện phí. Theo đó, từ cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12.2015 sẽ đưa tất cả chi phí khám chữa bệnh trực tiếp cho người bệnh và một loạt phụ cấp của cán bộ, nhân viên y tế vào viện phí; đến tháng 3.2016 sẽ tiếp tục đưa cả lương của bác sĩ, y tá… vào viện phí.
Theo cách tính viện phí mới, dự kiến có khoảng 1.800 dịch vụ y tế cơ bản sẽ tăng, ước tính tăng tối thiểu 20% so với hiện hành. Bên cạnh đó, với khung chính sách mới, tới đây sẽ có rất nhiều loại dịch vụ, thuốc chữa bệnh nằm ngoài danh mục được bảo hiểm thanh toán. Điều đó có nghĩa là ngay cả các bệnh nhân có bảo hiểm y tế (BHYT) cũng có thêm những chi phí phải lo lắng nếu bệnh của họ phải dùng các loại thuốc ngoài danh mục.
Lâu nay, câu chuyện viện phí đã được bàn luận trên nhiều diễn đàn, nhất là qua các kênh truyền thông, với nhiều luồng ý kiến khác nhau và tiêu tốn không ít giấy mực.
Phía ngành Y tế cho rằng với mức thu viện phí cũ thì sẽ rất khó khăn cho việc duy trì hoạt động của các cơ sở y tế, chưa nói đến chuyện nâng cao chất lượng phục vụ cũng như việc giữ chân cán bộ giỏi.
Về phía người bệnh, nhất là những người nghèo, người không có BHYT thì viện phí là một gánh nặng quá sức, thậm chí là một… “tai họa” nếu mắc bệnh hiểm nghèo, phải điều trị lâu dài.
Vì vậy, với lộ trình mà Bộ Y tế vừa công bố, khi chính thức được thực hiện thì chắc chắn người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân chưa có BHYT, sẽ phải “gánh” thêm một khoản viện phí không nhỏ nếu không may bị bệnh và phải nhập viện điều trị.
Được biết, tính đến thời điểm này cả nước còn tới 30 triệu người chưa có BHYT, chủ yếu là người dân sống ở khu vực nông thôn hoặc thành thị thuộc khối ngành nghề nông-lâm-ngư nghiệp, có thu nhập thấp. Khi áp dụng chính sách viện phí mới, chắc chắn một bộ phận dân cư cực lớn trong xã hội sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, nếu không có giải pháp xử lý tốt để giảm thiểu tác động tiêu cực thì sẽ tác động rất lớn đến an sinh xã hội. Do đó, đối với 30 triệu người chưa có BHYT thì việc đưa họ vào lưới BHYT là vấn đề có tính cấp bách, là giải pháp cần thực hiện càng sớm càng tốt.
Một vấn đề khác cũng được đặt ra là, dư luận đã và đang băn khoăn với câu hỏi “Liệu rằng với chi phí cho khám chữa bệnh tăng của cách tính viện phí mới thì người bệnh có được thụ hưởng chất lượng dịch vụ y tế tăng theo?”. Đây là đòi hỏi chính đáng vì một đã khi chấp nhận chi trả chi phí cao hơn thì người bệnh phải nhận được dịch vụ y tế với chất lượng cao hơn. Thế nhưng, mới đây đại diện Bộ Y tế đã thẳng thắn cho biết: Dù áp dụng mức viện phí mới nhưng chất lượng dịch vụ không thể tăng ngay bởi tổng giá trị gói dịch vụ vẫn như cũ, phải đến năm… 2020 thì tình hình mới có thể được cải thiện ít nhiều (!).
Từ nhiều năm qua, dịch vụ y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh công lập có nhiều bất cập, chưa đáp ứng tốt nhu cầu khám và chưa bệnh của người dân có lý do liên quan đến mức viện phí quá thấp. Nay có thêm nguồn lực từ sự chi trả của người bệnh sẽ giúp cho các cơ sở khám chữa bệnh nâng cao chất lượng phục vụ cho người bệnh. Theo “cái lý” của ông bà ta là “nước lên thuyền lên” thì một khi viện phí tăng, một khi giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ cho người bệnh chi trả, thì hẳn nhiên chất lượng dịch vụ y tế cũng phải được nâng lên, không nhiều hơn thì cũng phải tương ứng mới là “phải đạo” chứ không thể… “vẫn như cũ”!
H.Đ