“Cái thương vương cái tội”(!)
Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Quy Nhơn tái diễn tình trạng nhiều trẻ em (và cả một số người lớn) thường xuyên vào xin tiền của khách tại các nhà hàng, quán nhậu, quán cà phê… Đây không chỉ là những hình ảnh phản cảm, tạo nên sự nhếch nhác cho cảnh quan đô thị và môi trường xã hội, mà còn là hiện tượng không lành mạnh rất đáng lên án. Vì đằng sau cảnh các trẻ em chỉ năm bảy tuổi đến năn nỉ, kèo nài xin tiền chính là nạn lợi dụng trẻ em để kiếm sống của một số người lười lao động. Những người này có thể là cha mẹ hay người thân, và cũng có thể là những kẻ chuyên “chăn dắt” trẻ em đi ăn xin để kiếm sống, thậm chí làm giàu.
Hiện nay, trong xã hội vẫn còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, nhiều trường hợp gặp phải rủi ro bất khả kháng, bị bệnh tật hiểm nghèo rất đáng thương tâm. Đó là những người rất cần được cộng đồng giúp đỡ để vượt qua nghịch cảnh. Do đó, làm từ thiện là một trong những việc nên làm để giúp đỡ những người cần được trợ giúp. Tuy nhiên, với những trường hợp biến tướng tiêu cực, lấy ăn xin làm nghề kiếm sống, thậm chí lợi dụng sự thương cảm với trẻ em để “làm tiền”, thì cho tiền có khi lại là việc làm… “phản nhân văn” chứ không phải là sự giúp đỡ người nghèo theo nghĩa tích cực.
Trong công tác từ thiện, việc cho tiền một cách dễ dàng không đúng đối tượng như đã nêu có thể dẫn tới tình trạng một số người còn sức lao động nhưng thấy kiếm tiền quá dễ dàng sẽ ỷ lại, lấy xin ăn làm “nghề” bằng cách giả dạng làm người khó khăn hay lạm dụng trẻ em làm công cụ ăn xin. Rõ ràng làm từ thiện như thế không chỉ làm tổn hại trẻ em mà còn góp phần tạo ra một lớp người chuyên ăn bám xã hội.
Dân gian có câu “cho cần câu thay vì cho cá”. Vì vậy, để giúp đỡ những người nghèo, bất hạnh, cơ nhỡ… nên chăng mọi người có thể tham gia bằng cách tổ chức thăm viếng, tặng quà hay làm việc thiện nguyện tại các trung tâm bảo trợ xã hội, trại dưỡng lão, làng SOS hay mở quán cơm xã hội giúp đỡ người lao động nghèo… Bên cạnh đó, cần tổ chức một quỹ nhân đạo dành cho người lang thang, cơ nhỡ để giúp đỡ cho đối tượng này khi họ có nhu cầu thật sự. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý thích đáng đối với những kẻ ăn xin chuyên nghiệp, những kẻ lạm dụng người già, trẻ em để kiếm ăn bằng lòng nhân ái của xã hội.
Rất mong mỗi người trong chúng ta khi cho tiền một ai đó ở ngoài đường cũng cần cân nhắc và hướng lòng tốt đúng chỗ để không bị kẻ xấu lợi dụng, để rồi… “cái thương vương cái tội”(!).
Nguyên Hạnh