Kẻ phù ca trên chính cuộc đời mình
Lê Ân bất ngờ xuất hiện trước tôi, không phải qua cuộc chơi với người bạn học cùng lớp là một nhà báo mà tôi cũng thân thuở tập tành dăm bài mỗi tháng kiếm cơm, mà chính những vần thơ của ông. Những bài thơ này, đọc cho nhau nghe, viết vào sổ tay và in trên nhiều báo, lạ từ ý tưởng đến ngôn từ.
1.
Tới giờ, tôi quen biết và cũng có lúc thân với Lê Ân, gần hai chục năm. Và đã thuộc lòng những bài thơ ngắn ngắn của ông, kiểu: Cái roi cày gác lửng phía hoàng hôn/ Không nỡ đánh nỗi nhọc nhằn truyền kiếp/ Nhưng cuộc sống đã vào mùa gieo hạt/ Ai chẳng nhận một phần đau để được một phần đời (Mùa gieo hạt), hoặc Giữa quê hương nhớ quê hương/ Như con chim khách lạc vườn nhà ai/ Tiếng kêu oằn ngọn tre gai/ Gọi người mà chắc gì ai nhớ mình (Chim khách)...
Nhà thơ Lê Ân
Khi Lê Ân chép vào sổ tay tôi (năm 1999) bài thơ “Khi tìm lại những con đường”, tôi thực sự sửng sốt: Con đường đưa chúng tôi về gặp nhau/ trong tiếng chuông chiều sau một ngày quăng quật/ là con đường ngày xưa trơn trợt tình người/ Những đứa trẻ xa đời chưa kịp nằm nôi/ Những người đàn bà đào bới cơn điên/ngơ ngác tìm quyền năng làm mẹ/ Con đường đưa chị tôi về làm dâu mảnh đồng làng một năm ba mùa lúa/ là con đường ngày xưa bóng mẹ tôi ngã trong bóng cỏ/ gánh từng mùa chiêm bao/ Con đường đưa tôi và các em tôi về phía những vì sao/ là con đường ngày xưa bóng cha tôi thất thểu quanh tìm lũ con hoang lạc trong/hoàng hôn thời cuộc…Khi tìm lại những con đường gập ghềnh ký ức/ tôi nghe một chút nhọc nhằn rất đỗi bình yên!
Bài thơ đặc sắc ở ý tưởng và ngôn từ. Cũng nhiều người như tôi vui mừng chào đón một cây bút có chất của văn chương Bình Định. Cũng cần nói thêm, lúc ấy, Lê Ân không thể gọi là nhà thơ trẻ, ông đã gần bốn mươi. Mà trẻ già gì, viết có hay không là chính.
2.
Lê Ân (sinh năm 1965) là dân Phù Cát, Bình Định, học Cao đẳng sư phạm ngành Vật lý, đi dạy một thời rồi nghỉ, quăng quật mưu sinh với mênh mông nghề chẳng rõ một tín hiệu cụ thể. Vào chùa ở TP Hồ Chí Minh học sư kinh kệ. Học sư chuyện vẽ và làm tượng. Rồi làm thơ, lai rai thơ cùng đọc vô vàn sách nhà chùa. Chẳng biết Lê Ân thu nhận gì nhiều từ chuyện sách, kinh, chuyện thơ chùa, chuyện vẽ, làm tượng. Nhưng khi về lại Quy Nhơn sống với mẹ già, ông làm luôn các thứ đó. Đâu kiếm được tiền là làm để sống... Riêng thơ vẫn cứ làm chắc như niềm yêu, như “trời đày” chứ có mấy tiền. Về tượng, tượng của ông không chỉ có mặt ở các nhà giàu kiểu “người đàn bà lấy nước trên sông Jordan”, kiểu “nàng tiên cá”, “thần vệ nữ”... mà ông còn làm tượng thiền sư Sơn Ông cho hang đá chùa Linh Phong, cả tượng bán thân nhà thơ Xuân Diệu, tượng anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Hữu Quang… bằng nhiều chất liệu đồng, chì, xi măng, đá. Có lời khen, tiếng chê nhưng giờ nghĩ tới việc làm tượng, phù điêu nhiều người nghĩ ngay đến Lê Ân.
Lê Ân và mẹ.
Còn vẽ tranh nữa. Lê Ân vẽ là để cho sướng, cho đã. Vậy mà cũng có bức được chọn triển lãm không chỉ trong tỉnh, triển lãm cả ở khu vực miền Trung & Tây Nguyên. Có lần Lê Ân nói sở trường của mình là vẽ. Tôi phản bác, bảo ông sở trường là thơ. Cũng chỉ là ý kiến cá nhân thôi. Dù Lê Ân đa tài nhưng tôi vẫn cứ đinh ninh cái tạng thơ ấy của Lê Ân mới làm nên con người này.
Ít nhất tôi đúng khi tập thơ đầu tay “Nghe phù du hát” của Lê Ân đã đoạt giải B giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ IV (2006-2010). Giải thưởng lần đó tỉnh đã rất cố gắng mời các vị giám khảo “trung ương” tham gia cho “khách quan hơn” các kỳ trước...Và Lê Ân đã góp mặt kịp thời, đầy ấn tượng. Hôm đó, từ Hà Nội, một trong những người tham gia hội đồng giám khảo giải thưởng là nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha gọi điện cho tôi nói ấn tượng rất tốt về cây bút thơ Phù Cát mà chưa kịp nhớ tên (đương nhiên không phải Khổng Vĩnh Nguyên, người thơ ông không lạ mấy chục năm qua). Tôi nói ngay, đó là Lê Ân. Ông bảo đúng, Lê Ân đó, chưa biết bao giờ trên các diễn đàn nhưng tập “Nghe phù du hát” tốt lắm, đáng mừng lắm cho Bình Định.
Cái thuyết phục lớn của thơ Lê Ân là chữ. Có bài thơ thường thôi về ý nhưng ngôn ngữ đắt và sang. Ví dụ bài “Nòi tình” Lê Ân viết tặng tôi: ăn chay/ nằm đất/ ngấm/ mùi thế tục/ mà/ say/ xưa nay/ nước làng/ gạo chợ.../cả gan/ vác bút/đi cày”. Chữ “vác bút” đủ để thấy chuyện làm văn trân trọng và nghiêm cẩn vô cùng. Hay: Cầm hòn bọt sóng/ Ném vỡ hư không/ Thấy ta chơi giữa hưng - vong/ Tay cầm tiền kiếp/ mà không cầm gì! (Cầm, bài tặng NVH).
Lê Ân không cố công làm thơ. Bài thơ có khi chỉ đến sau một cuộc say, một cuộc chơi, một cuộc tình. Nhưng bài nào, dù vui, dù hạnh phúc, cũng man mác cái mênh mông buồn của kiếp người, đông vui thì đã chờ sẵn cái cô đơn, cái có được cũng thật mong manh, dễ vỡ. Như lóng lánh ngũ sắc của bong bóng xà phòng. Không phải ngôn ngữ, ấn tượng của thơ Lê Ân chính ở cái mong manh này.
Chàng là một thi sĩ đa tình. Rong ruổi và hát ca bằng chính phận mình đời mình, những khúc phù ca. Người bảo Lê Ân nghệ sĩ, người bảo cuồng sĩ, gọi sao cũng được, nghệ hay cuồng. Nhưng Lê Ân là người sống có tình, với người, với đời, người và thơ. Ví dụ: Mùa gió Lào rần đau triền gân cát/ Trăng lang thang cư trú dấu chân còng/ Ta theo mộng mòn những buồn khuya khoắt/ Vô tình ơi ta có giẫm trăng không?. (Với vô tình).
Có tình với tất cả, trừ mình. Có gì đó người thơ này vừa thực chuyện cơm áo, vừa đày đọa mình. Nếu tự đọa đày cùng những cuộc tình dang dở, cùng đam mê trên từng vẻ đẹp của thơ, của tranh, của tượng, của những hòn giả sơn, những bức phù điêu... để rồi có cái “phát hiện” lung linh của ý, của lời trên mỗi trang thơ thì, đọa đày ấy cũng đáng, vì, nhân sinh đã hiển hiện qua thơ, theo cái cách Lê Ân, khó trộn lẫn, kiểu “Giữa quê hương nhớ quê hương”. Theo tâm sự của nhà thơ, ông thấy lạc lõng khi đứng ở chính khu vườn cũ nhà mình!.
3.
Sau thành công của tập thơ đầu tay, tôi hỏi có ý in tiếp không, Lê Ân bảo đang tập trung làm việc khác, cái việc thiết thực hơn về cơm áo gạo tiền. Và muốn ổn định một mái ấm. Chưa biết sao chuyện này nhưng chắc rằng, nếu viết được điều đáng viết, Lê Ân không bao giờ “bỏ bút”, vì hơn tất cả những mảng khác, thơ chính là mảng tự họa tốt nhất của chính người ông. Với thơ, Lê Ân là người của mộng. Và ông hẳn là người hạnh phúc cõi ấy.
Khi tôi viết những dòng này, một người bạn văn “bật mí” Lê Ân đang chuẩn bị in tập thơ thứ hai, điện hỏi thì y chang, đó là tập: “Ru thai”. Ừ vậy, những bài thơ mới của ông tôi cũng đã đọc loáng thoáng, trước sau, ông vẫn trung thành với cái chất thơ mình vốn đã mặc định trong lòng bạn đọc. “Nghe phù du hát” hay “Ru thai” hay gì gì nữa, nếu có chỉn chu hơn, thì tạng Lê Ân vẫn là những khúc phù ca về chính mình.
Ông đã chạm thấu một phần nhân sinh bằng lựa chọn ấy.
LÊ HOÀI LƯƠNG
Không hiểu sao cứ mỗi lần nhớ, nghĩ tới Lê Ân là tôi lại luôn nghĩ, nhớ ngay đến mẹ anh. Mẹ Lê Ân là một bà cụ thấp, bé, gầy ốm; tuy tuổi cao (năm nay cụ đã 90 tuổi) nhưng tiếng nói rất đầy đặn, rõ và ấm. Bà có ánh nhìn hiền và đau đáu. Có lẽ trừ việc có vợ muộn, sinh con muộn khiến mẹ không vui ra, cả đời chưa bao giờ Lê Ân làm mẹ mình buồn, ít nhất là từ khi tôi quen biết anh - dễ chừng cũng đã 15-17 năm rồi.
Mấy năm nay, Lê Ân ở đâu cũng vậy, cứ tầm 7 giờ tối là mẹ anh gọi anh về ăn cơm nhà. Anh đi làm ở xa thì mẹ anh nhắc anh ăn cơm. Không về được, thì dù đang cười nói hỉ hả với bạn, dù đang tức giận to tiếng thì anh cũng lánh ra một chỗ nhẹ giọng dạ thưa với mẹ rằng con đang ở gần nhà, con chơi với bạn một chút rồi con về.
Có lẽ vì những điều như vậy nên trong thơ Lê Ân, nhất là khi viết về quê hương, luôn bàng bạc hình bóng dáng, lời nói, cách căn dặn chậm rãi, điềm đạm và tha thiết của mẹ:
Nằm nghe trời đổ cơn dông
Nhớ đôi vai mẹ chiều không dám buồn
(Nằm nghe trời đổ cơn dông)
Má về phía bóng hoàng hôn
Mót từng hạt nắng nuôi con làm người
Đường trơn trợt lắm má ơi
Gánh quê ngược gió bời bời lòng con.
(Gánh quê ngược gió)
Cúi đầu tạ cánh đồng làng
Nuôi ta từng hạt thóc vàng rưng rưng
(Lê Ân)
Đầu tháng 10.2015, tập thơ thứ 2 của Lê Ân - Ru thai đã ra mắt bạn đọc. Tập thơ mỏng - 112 trang nội dung, gồm 64 bài. Ký thác trong đó là quê hương, bạn bè, mẹ và chị, người tình và những ngẫu hứng. Một số bài trong tập Ru thai được ghi chú trích trong Sau mỗi mùa thiên di, hỏi Lê Ân, ông mỉm cười đáp rằng đó là một số trích đoạn trong trường ca đang viết. Có lẽ ông đang ru một bào thai khác. Bạn bè, người yêu thơ và mến Lê Ân có thể hy vọng rất nhiều ở những điều ông ấp ủ.
BÁ PHÙNG