Công tác gia đình:
Tăng cường trách nhiệm của cộng đồng
Thực trạng chung của công tác gia đình hiện nay là chưa được nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò, ý nghĩa. Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác gia đình mỏng về số lượng; năng lực tổ chức, thực hiện chưa cao…
Nhiều cái khó
Ở cấp xã, công tác gia đình hầu hết do cán bộ văn hóa xã hội kiêm nhiệm. Một khi các cấp ủy, chính quyền không nhận thức đúng đắn, sâu sắc, đầy đủ vị trí, tầm quan trọng của công tác gia đình trong đời sống xã hội thì công tác này rất dễ bị xem nhẹ. Có thể dẫn ra một ví dụ: kinh phí hoạt động phân bổ cho công tác gia đình hầu như chỉ đến cấp tỉnh, ở cấp huyện tùy thuộc vào cơ chế “xin - cho” giữa UBND huyện và Phòng Văn hóa - Thông tin (đơn vị thực hiện quản lý nhà nước về công tác gia đình cấp huyện) và “tắc” ở cấp xã. Trong 2 năm 2012 và 2013, kinh phí cấp cho Sở VH-TT&DL để triển khai công tác gia đình mỗi năm khoảng 130 triệu đồng. Trước năm 2008 (khi mảng gia đình được giao cho ngành VH-TT&DL quản lý), kinh phí cho công tác gia đình đều phải linh động lấy từ các nguồn khác.
Phòng, chống bạo lực gia đình là một trong những nội dung trọng tâm của công tác gia đình.
- Trong ảnh: Tổng kết, trao giải Cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình do Sở VH-TT&DL tổ chức năm 2012.
“Không có nguồn kinh phí riêng để hoạt động, công tác gia đình đều phải lồng ghép vào các lĩnh vực khác như dân số, phụ nữ… hiệu quả khó đạt như mong muốn. Bên cạnh đó, chế độ phụ cấp ít ỏi dành cho cán bộ không chuyên trách cũng là một trong những lý do dẫn đến hiệu quả công tác gia đình chưa cao”, ông Nguyễn Văn Thông, cán bộ văn hóa xã hội xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, cho biết.
Một nguyên nhân quan trọng là, công tác gia đình rất khó làm và “kén” người. Bên cạnh khả năng giải quyết các công việc chuyên môn, cán bộ làm công tác gia đình còn phải có vốn sống, kinh nghiệm, có khả năng hòa giải mâu thuẫn gia đình, tinh và nhanh để nhận thấy những dấu hiệu để cảnh báo, ngăn ngừa về những bất hòa hay bi kịch trong gia đình. Đây được xem là những “kỹ năng mềm” mà nhiều người còn thiếu.
“Những người làm công tác gia đình mới chỉ dừng lại ở việc thực hiện quản lý nhà nước khi triển khai về cơ sở, thu thập các số liệu, phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông… Hoàn thành các đầu việc cụ thể đã là một cố gắng của đội ngũ cán bộ không chuyên trách. Trong khi đó, công tác gia đình, đặc biệt trong tình hình hiện nay đòi hỏi cán bộ phụ trách phải có những “kỹ năng mềm”. Về yêu cầu này, tỉ lệ cán bộ phụ trách đáp ứng được rất ít”, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VH-TT&DL, nhận xét.
Bà Thái Kim Dung, Phó Chủ tịch UBND xã An Quang, huyện An Lão, chia sẻ: “Công tác gia đình còn khá mới, cán bộ phụ trách năng lực chuyên môn còn hạn chế nên việc triển khai thực hiện khá lúng túng. Tuy có vai trò, tầm quan trọng lớn song hiệu quả của công tác gia đình mang lại khó định lượng, định tính. Xã có 97% dân số là đồng bào H’re, cán bộ làm công tác gia đình cũng vấp phải những khó khăn đặc trưng khi tham gia giải quyết các vấn đề, mâu thuẫn phát sinh trong gia đình dân tộc thiểu số miền núi như phong tục tập quán, nạn tảo hôn…”.
Công tác gia đình được thực hiện tốt sẽ góp phần cải thiện đời sống cộng đồng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều lãnh đạo xã có chung kiến nghị cần bố trí cán bộ chuyên trách riêng về công tác gia đình để đảm bảo hiệu quả, chất lượng công tác này. “Ngoài cán bộ chuyên trách cũng cần xây dựng mạng lưới cộng tác viên gia đình ở cơ sở tương tự như mô hình tuyên truyền viên dân số hay y tế thôn. Có vậy mới sâu sát đời sống gia đình và nắm bắt kịp thời những dấu hiệu, nguy cơ xấu nảy sinh trong gia đình ở từng địa phương”, bà Thái Kim Dung đề xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cần phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền đối với công tác gia đình. Phải xem công tác gia đình là một nội dung quan trọng trong các kế hoạch, chương trình công tác thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền; các chỉ tiêu xây dựng, phát triển gia đình thuộc các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời kiện toàn, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp đủ mạnh. Từ đầu năm 2013 đến nay, một số địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo công tác gia đình nhằm nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện công tác gia đình ở địa phương.
Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã nhấn mạnh về việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác gia đình. Trong đó đề cao tính chủ động và trách nhiệm tham gia của từng ngành, lĩnh vực, huy động cộng đồng, tạo điều kiện cho các gia đình nâng cao nhận thức và có thêm cơ hội tham gia vào các hoạt động xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
SAO LY