Bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Ðiện quản lý: Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Tiến sĩ Man Ngọc Lý
Bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn (LÐHANT) cho ngành Ðiện quản lý, nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong vận hành, duy tu, bảo dưỡng và phát triển lưới điện là chủ trương của Chính phủ. Tại tỉnh ta, công tác bàn giao LÐHANT tuy đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ. PV Báo Bình Ðịnh đã trao đổi với Tiến sĩ Man Ngọc Lý, Giám đốc Sở Công Thương, về vấn đề này.
* Xin ông cho biết tiến độ bàn giao LĐHANT trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này?
- Triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Công Thương về việc chuyển giao LĐHANT cho ngành Điện quản lý và bán điện trực tiếp đến các hộ sử dụng điện, đến tháng 9.2015, trên địa bàn tỉnh đã có 135/149 đơn vị, tổ chức đã và đang thực hiện việc chuyển giao LĐHANT cho Công ty Điện lực Bình Định quản lý vận hành, bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn, với tổng khối lượng tiếp nhận là 1.873 km đường dây hạ áp và trên 215.300 khách hàng sử dụng điện. Hiện còn 14 đơn vị chưa thực hiện việc bàn giao và đang tiếp tục duy trì hoạt động quản lý kinh doanh điện nông thôn. So với tiến độ đề ra, tỉnh ta là một trong những địa phương thực hiện công tác chuyển giao LĐHANT cho ngành Điện còn chậm.
* Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, thưa ông?
- Hầu hết các đơn vị chuyển giao LĐHANT không có đầy đủ hồ sơ chứng từ gốc ban đầu theo quy định (trừ công trình do các đơn vị mới đầu tư sau này). Do đó, các đơn vị phải lập lại hồ sơ theo Thông tư liên tịch của Bộ Công Thương- Bộ Tài chính và hướng dẫn của UBND tỉnh tại văn bản số 1308/UBND-KTN ngày 6.5.2011 về việc xác lập hồ sơ và hoàn trả vốn đầu tư LĐHANT đối với trường hợp không có chứng từ hoặc thiếu chứng từ. Việc hoàn chỉnh hồ sơ kéo dài và khó khăn trong khâu xác định cơ cấu nguồn vốn đầu tư từ các cấp.
Về chất lượng còn lại của tài sản LĐHANT do bên giao, bên nhận xác định trên cơ sở chất lượng thực tế; do đó, một số đơn vị chưa thống nhất tỉ lệ giá trị còn lại của tài sản bàn giao; thiếu sự đồng thuận của các bên giao, nhận. Mặt khác, một số ít địa phương, đơn vị có tâm lý chưa chấp thuận với việc chuyển giao; đặc biệt là những nơi việc kinh doanh điện còn đang hiệu quả trong tạo nguồn thu.
Công nhân Công ty Điện lực Bình Định đang sửa chữa lưới điện.
* Trước những khó khăn trên, để sớm hoàn tất việc bàn giao LĐHANT cho ngành Điện quản lý, Sở Công Thương với vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này sẽ có những giải pháp gì để tháo gỡ?
- Thời gian đến, các cơ quan, đơn vị có liên quan, trong đó, có Sở Công Thương sẽ phối hợp hướng dẫn, giải quyết những vướng mắc trong giao nhận và hoàn trả LĐHANT đối với những đơn vị có nhu cầu bàn giao LĐHANT cho ngành Điện, để hoàn thành việc chuyển giao LĐHANT trong giai đoạn 2 (2013 - 2015). Đối với những đơn vị đã và đang thực hiện việc chuyển giao nhưng có vướng mắc trong xác định giá trị cũng như cơ cấu nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là vốn vay các tổ chức tín dụng, Sở Công Thương đã phối hợp cùng địa phương cũng như Sở Tài chính để xác định, trình UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở pháp lý cho việc giao nhận và thanh toán. Trong khi đó, với các đơn vị còn lại, ngày 18.9.2015, UBND tỉnh đã ra văn bản số 4527/UBND-KTN chỉ đạo các ngành, các địa phương kiểm tra, đôn đốc công tác bàn giao LĐHANT trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, Sở Công Thương đã có văn bản yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Theo đó, tổ chức nào đồng ý bàn giao, khẩn trương báo cáo để Công ty Điện lực Bình Định chuẩn bị nguồn lực tiếp nhận và cải tạo lưới điện sau tiếp nhận. Các tổ chức không thực hiện bàn giao LĐHANT phải cam kết thực hiện đầy đủ các quy định về hoạt động điện lực và thực hiện đầu tư, cải tạo nâng cấp lưới điện đảm bảo cung cấp điện cho người sử dụng, ngân sách Nhà nước sẽ không tiếp tục tham gia đầu tư như trước đây. Sở Công Thương cũng sẽ tăng cường việc kiểm tra và xử phạt các đơn vị không đủ năng lực và điều kiện hoạt động điện lực.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)