Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo: Giúp đưa ra giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1614/QĐ-TTg phê duyệt đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều cho giai đoạn 2016 - 2020”. Đây được xem là “bước ngoặt” lớn trong Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế xã hội của nước ta nói chung và tỉnh nhà nói riêng. Phóng viên Báo Bình Định đã trao đổi với ông Phan Đình Hòa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, xung quanh nội dung này.
* Thưa ông, đâu là nguyên nhân của chuyển đổi từ đo lường nghèo đơn chiều sang đa chiều?
- Việc áp dụng duy nhất tiêu chí thu nhập để xác định đối tượng hộ nghèo, cận nghèo thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế. Nếu chỉ sử dụng chuẩn nghèo thu nhập để đo lường và xác định đối tượng nghèo sẽ dẫn đến bỏ sót đối tượng; đồng thời việc phân loại đối tượng và xác định nguyên nhân nghèo đói chưa chính xác. Mặt khác, các chính sách giảm nghèo được xây dựng trên tiêu chí thu nhập chủ yếu nhằm xử lý vấn đề thiếu tiền và khả năng chi trả dịch vụ, chưa thực sự tác động đến các nguyên nhân khác của nghèo đói như: vấn đề khó tiếp cận dịch vụ, dịch vụ không có sẵn hoặc không phù hợp, tâm lý ỷ lại của người dân.
Chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội trong thời gian tới dự kiến sẽ thiết kế theo hướng tác động đến từng nhóm đối tượng cụ thể.
Phương pháp đo lường nghèo đa chiều được áp dụng sẽ khắc phục những hạn chế nói trên, đặc biệt là trong bối cảnh cơ cấu kinh tế - xã hội thay đổi, đô thị hóa và di cư tăng nhanh hiện nay.
* Vậy các tiêu chí đo lường hộ nghèo và chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 sẽ thay đổi như thế nào, thưa ông?
- Chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 được xây dựng theo hướng kết hợp cả 2 tiêu chí: thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo Tổng cục Thống kê, dự kiến chuẩn nghèo thu nhập (còn gọi là chuẩn nghèo chính sách) năm 2015 là 800 ngàn đồng/người/tháng khu vực nông thôn và 1 triệu đồng/người/tháng khu vực thành thị. Tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm: tiếp cận về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Có 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ, gồm: trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; loại hố xí/nhà tiêu; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.
Hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ chuẩn nghèo chính sách trở xuống; hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn chuẩn nghèo chính sách nhưng thấp hơn chuẩn mức sống tối thiểu và thiếu hụt từ 1/3 tổng số điểm thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Hộ cận nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn chuẩn nghèo chính sách nhưng thấp hơn chuẩn mức sống tối thiểu, và thiếu hụt dưới 1/3 tổng số điểm thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Hộ chưa tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn chuẩn mức sống tối thiểu và thiếu hụt từ 1/3 tổng điểm thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
* Ông có thể cho biết người dân sẽ được hưởng quyền lợi nào theo hướng tiếp cận đo lường mới này?
- Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo theo hướng đa chiều sẽ tạo điều kiện để nhận dạng nghèo chính xác, cụ thể hơn, đồng thời có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn nhu cầu của đối tượng thụ hưởng.
Chẳng hạn, nhóm hộ nghèo cùng cực - vừa thiếu hụt thu nhập vừa thiếu hụt đa chiều - sẽ ưu tiên cả các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình và thành viên để cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và nâng cao mức thu nhập. Với nhóm hộ nghèo về thu nhập nhưng không thiếu hụt đa chiều, giải pháp tác động là hỗ trợ trực tiếp, tập trung vào tạo các điều kiện sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, thông qua các chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ về sản xuất, tham gia thị trường lao động trong nước hoặc xuất khẩu lao động. Nhóm hộ không nghèo về thu nhập nhưng thiếu hụt đa chiều sẽ được hỗ trợ cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...
* Tỉnh ta đã có những phương án nào để thực hiện tốt cuộc điều tra, rà soát hộ nghèo và cận nghèo năm 2015 ?
- Tiếp cận nghèo đa chiều là khái niệm rất mới với cả người dân và điều tra viên các cấp. Trong khi đó, 2015 được coi là năm xuất phát cho giai đoạn 2016 - 2020 theo chuẩn nghèo mới nên công tác chuẩn bị, triển khai rà soát hộ nghèo cần được xem trọng. Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tham mưu cho UBND tỉnh về kế hoạch điều tra rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2015. Trong đó, chú trọng đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về các điểm mới trong đo lường nghèo đa chiều, tập huấn cho đội ngũ điều tra viên...
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN MUỘI (thực hiện)