Tiếng cười thời con gái
Truyện ngắn của MỘC ANH
Sóng là con chị Trinh, chị cùng cha khác mẹ với tôi. Nó năm nay lên 8 tuổi, ai cũng bảo giống hệt chị Lý tôi, chắc nịch và trắng như trứng gà bóc. Chị Trinh tôi thời con gái cũng không đến nỗi nào nhưng sau chục năm đằng đẵng xa chồng, bao nhiêu nhân sâm với linh chi đắp vào vẫn cứ khô đét như mo nang. Chả bao giờ chị cười thành tiếng. Đã thế lại da nám, tóc xoăn, ép duỗi vài ba tháng đâu lại hoàn đấy, trông càng cám cảnh. Nhưng chị được cái nết hiếu thuận, hiền lành, cam chịu. Bỏ mẹ già, bố lấy mẹ tôi bây giờ, đẻ được chị Lý với tôi thì càng ít đoái hoài chăm nom nhưng chị vẫn năng đi lại, rất mực thương yêu chị em tôi, có chút lộc chồng đi nước ngoài, không quên dấm dúi cho bố, cũng không tỏ thái độ thù ghét dù mẹ tôi là người đã giật bung nốt mối nối hờ hững trong cuộc hôn nhân của bố với mẹ chị.
Nếu không vì bị bắt, bị trục xuất do làm ăn thiếu căn cước thì anh Sánh còn ở riết bên xứ củ sâm. Không biết có phải vì hợp xứ lạnh, canh rong biển với kim chi muối hay sao mà đợt này về anh rể tôi trẻ, kẻng như trai Hàn Quốc. Nhìn tấm ảnh chị Lý chụp chị Trinh đứng cạnh anh hôm ra sân bay đón chồng hồi hương cứ như một bà nhà quê chân chỉ hạt bột cười như mếu bên tượng sáp một minh tinh châu Á. Đã bao nhiêu lần tôi nghe chị Lý cằn nhằn rằng thì là mà chị Trinh không biết tiêu tiền, ai đời lương chồng tính bằng đô la mà vẫn tiếc tiền, đi mua 10 ngàn ba đôi tất. Đã thế cũng không chịu đầu tư son phấn vào, trông mặt, ma còn chán mớ đời. Chừng mực cho bản thân là thế nhưng chị không tiếc gì cho thằng Sóng, bố và các em. Quần áo của bố, tôi và thằng Sóng, chị toàn mua ở shop thời trang to nhất thị trấn. Chị Lý thích kem dưỡng da, màu son, túi xách gỉ gì toàn phím cho chị Trinh nói với anh Sánh bên ấy gửi về. Lâu lâu chị Trinh lại dấm dúi cho tiền bố, cho chị Lý.
Gần 10 năm ở xứ lạnh, tay nghề bếp núc của anh Sánh cũng ảnh hưởng ít nhiều. Cỗ toàn đồ nướng thơm điếc mũi. Mẹ già diện chiếc áo gấm màu mỡ gà, đeo chuỗi vòng ngọc trai chỉ dành cho những dịp hội hè, nếu miệng không bỏm bẻm nhai trầu thì dễ còn trẻ đẹp hơn chị Trinh, hơn cả mẹ tôi. Hồi còn trẻ mẹ vẫn được tiếng tài đảm, đẹp gái kia mà. Bố mẹ chồng chị Trinh phấn khởi lắm, dễ không ăn gì cũng no. Ông bà không dấu diếm gì, bô bô về dự định mở đại lý “hàng tiêu dùng” mà anh Sánh vẫn kín như bưng. Tôi mường tượng ra cảnh chị Trinh đứng trong căn nhà mặt đường vừa mới hoàn thành, trước những gian, những kiện hàng chất ngất. Chị bận chiếc áo thun vằn vện tối màu, cổ hình trái tim khoét sâu điển hình của những nữ chủ đại lý máu mặt, đôi mắt kẻ chì đưa chầm chậm sau cặp mục kỉnh, vừa nhẩm tính chi li vừa đếm tiền loạt xoạt không ngơi tay.
Nhưng rồi người đứng sau quầy tính tiền của đại lý Sánh Trinh lại là chị Lý. Chị chỉ khác với tưởng tượng của tôi là chị không đeo mục kỉnh, càng không mặc áo vằn vện. Chị có một lô áo đỏ các kiểu dáng khác nhau và mắt chị luôn lúng la lúng liếng, kể cả lúc lệnh cho chị Trinh hay thằng Sóng lấy hàng cho khách. Kể cũng hợp lý. Chị Trinh không có khiếu tính toán, bù lại chị ngăn nắp, có óc sắp xếp mọi thứ trật tự, quy củ, khoa học. Anh Sánh hài lòng với các nhân sự, nhất là chị Lý. “Con bé khá thật. Phúc bảy mươi đời cho thằng nào vớ được nó”, anh thường nheo mắt, tấm tắc ra vẻ đắc ý lắm. “Mày đi nhiều, biết lắm, tìm gả nó cho thằng nào đường được tý xem nào”, một lần ngà ngà bên mâm lòng nướng nhậu cùng con rể, bố tôi thách đố. Anh chủ đại lý Sánh Trinh hơi ghếch đầu, gãi gãi mang tai, cười khì khì: “Con chưa hiểu cái đường được của bố nó như thế nào?”, “Thì, cứ như anh rể mày, là được, Luân nhỉ?”, bố đưa cặp mắt đùng đục nhìn tôi ra chiều vừa như kiêu hãnh vừa như tội đồ: “Nhưng mà tốt nhất tránh những thằng con hiếm, con dòng độc đinh như bố mày đây, lại khổ mấy đời mẹ, đời con”.
Tôi biết bố đang nói về mình. Mỗi lần như thế, bố như nọc con rắn người ta chưa đụng đến đã vội thụt đầu vào, ra chiều vừa cố thủ nghe ngóng vừa sẵn sàng đớp một miếng ra trò. “Bài ca đi cùng năm tháng, nghe mãi phát chán rồi, bố chuyển kênh con cái”, chị Lý từ đại lý về, vứt vỏng cái túi da buộc hông lên mặt ghế khảm xà cừ, cầm đôi đũa đặt trên bát anh Sánh, gắp miếng nầm, miệng xuýt xoa vì nóng, thở ra cái câu ngữ điệu bực bội mà trong nhà chỉ có chị dám nói với bố. Dạo này đông khách, lắm bận chị mệt quá, nghỉ bán là đặt lưng ngủ đêm luôn ở đại lý, tính tình cũng trở nên kém miệng khó chịu. “Mày...”, giọng bố buông thõng như mọi lần, khi bị cô con gái đanh đá chặn họng. “Thôi, thôi, bố lại sắp kể cái chuyện mẹ già với mẹ con chị em gái keo sơn thân ái như trái cau non chứ gì? Con đã nói bao nhiêu lần rồi, thứ đã chia rẽ tình chị em tưởng thiên trường địa cửu ấy không phải là bố, mà là hoàn cảnh, hoàn cảnh xô đẩy”, “Đúng, đúng, hoàn cảnh xô đẩy, đúng thế đấy bố ạ”, anh Sánh hưởng ứng lời em vợ. Mắt đã rơm rớm, bố tôi phủi đít đứng dậy, nhưng đứng không vững nữa, tôi đành bỏ dở cuốn truyện tranh, nhào vào đỡ ngang sườn ông. “Nhớ, nhớ không được giống bố nhá, nhá”, ông chỉ thẳng mặt anh Sánh, nói rành rọt, chả giống người say rượu tẹo nào.
Chị Lý thuộc top gái xinh của làng, tiếng cười cứ giòn tan, đến là lắm anh giai tán tỉnh. Từ hôm chị ra bán hàng cho vợ chồng anh Sánh, bố mẹ tôi mới được ngon giấc. Chị vừa thoăn thoắt tính tiền, vừa ngọt nhạt đưa đẩy với các anh vo ve chung quanh. Chị tỏ ý ưu tiên cho anh Sỹ chủ tiệm liên hoàn cà phê - internet - karaoke đối diện bên đường, nhưng cũng chưa ừ vội. Lời anh Sỹ ngọt như mía lùi, đến con kiến chui trong lỗ cũng phải bò ra vểnh tai nghe hóng nữa là chị tôi.
* * *
Một hôm, tôi với thằng Sóng đi bắn chim về mệt quá, nằm rấp ngửa mặt lên nhìn trời trên bãi cỏ mọc hoang dưới chân cái mái lá chìa ra sau căn bếp thì nghe tiếng khóc thút thít. “Của ai?”, tiếng mẹ già tra. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ nặng lời như vậy. Liền sau đó chỉ nghe tiếng khóc tấm tức. Tôi vạch lá nhìn vào thấy cái dáng ngồi hơi ưỡn lưng với mớ tóc đổ tràn trên vai là biết chị Lý rồi.
Từ hôm ấy chị Lý không ra đại lý bán hàng nữa. Chị cũng không ra phụ bán cháo lòng cho mẹ tôi như hồi trước. Trời nóng như nung mà suốt ngày chị nằm trong buồng, trùm chăn kín đầu.
Ngoài giờ học, tôi không rủ rê thằng Sóng đi bêu nắng nữa mà ra giúp chị Trinh bán hàng. Từ hôm chị Lý nghỉ ở nhà, khách cũng vãn hẳn. Hình như anh Sánh với chị Trinh hục hặc gì, chẳng thấy anh rể tôi hăng hái khuân vác như dạo trước nữa. Quyết tâm lần này về không ra thằng cu thì cái hĩm mà mãi anh chị tôi không thỏa nguyện. “Người ta nồng nã còn chẳng ăn ai, kẻ không mong đến, người lần chẳng ra”, mẹ tôi liếc vào buồng, đáp lời bố phàn nàn chuyện con cái của anh Sánh, chị Trinh. Nói xong câu đấy, mẹ bỗng giật thột, đánh rơi đôi đũa, mặt cắt không còn hột máu, nhào vào buồng.
Cuối cùng cũng lộ ra nguyên do khiến anh Sánh như người mất hồn suốt thời gian vừa qua là do kết luận của bác sĩ. Chẳng ai đón nhận tin chồng bị vô sinh thứ phát mà phấn khởi như chị Trinh tôi. Chị đôn đáo giúp mẹ tôi chu tất chuyện cưới hỏi cho chị Lý. Ngày đưa dâu, chị Lý bế bụng bước vào cánh cổng tiệm liên hoàn cà phê - internet - karaoke. Chẳng một lời cười chê cô dâu ăn cơm trước kẻng. Ai cũng nắc nỏm khen bố mẹ tôi phúc dày, hai cô con gái đều gả vào nhà hào môn. Lệ từ xưa mẹ đẻ không đưa con gái về nhà chồng, đành phó thác cả cho người chị em thân thiết trao nón, đỡ tay cô dâu. Mẹ già tôi bận áo dài nhung, bỏm bẻm nhai trầu, dắt cô dâu chú rể đi đến đâu, người dạt sang hai bên nhường lối. Bố tôi không uống rượu mà mắt đỏ hoe, tôi với thằng Sóng được ông sắm cho mỗi đứa một sơ mi, caravat đi kè kè hai bên như vệ sĩ. Pháo nổ rần trời nhưng vẫn kém tiếng cười vỏng vót của chị Trinh tôi, như vọng từ cao xanh, từ đời nảo nào, từ thời con gái, tự thuở còn son ...
M.A