16% mẫu thịt có chất tăng trọng
Theo báo cáo 9 tháng đầu năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đến thời điểm này, đã xây dựng thí điểm 74 mô hình chuỗi cung ứng rau, thịt và thủy sản an toàn từ 43 tỉnh, thành có cung cấp sản phẩm cho Hà Nội và TPHCM.
Việc tổ chức thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm song song với hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và phát triển chuỗi thực phẩm an toàn đã góp phần cải thiện chất lượng vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông thủy sản, tuy nhiên sự chuyển biến trên thực tế còn rất chậm.
Số liệu giám sát an toàn thực phẩm nông thủy sản 9 tháng đầu năm của cơ quan chức năng cho thấy tỉ lệ mẫu giám sát vi phạm còn cao, một số chỉ số an toàn thực phẩm chưa được cải thiện so với năm 2014. Cụ thể, 16% mẫu thịt phát hiện có Salmonella (chất tăng trọng để thịt siêu nạc); 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng; 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng/vượt ngưỡng cho phép.
Về hàng nhập khẩu, đã tiêu hủy 9 lô sản phẩm nguồn gốc động vật do dương tính với dịch bệnh và không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định, đình chỉ 1 lô sản phẩm nguồn gốc thực vật xuất xứ Indonesia do tồn dư thuốc trừ sâu (chất chlorpyrifos) vượt ngưỡng.
Đáng chú ý, qua thanh tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 5 công ty sử dụng chất cấm hoặc không có trong danh mục cho phép để sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thuốc thú y, gồm: Công ty CP Sản xuất thương mại Đại An Tín, Công ty TNHH Vimark, Công ty Sản xuất thuốc thú y Khoa Nguyên, Công ty TNHH Thuốc thú y - Thủy sản Cường Phát, Công ty TNHH CP Thương mại và Sản xuất Bắc Âu Mỹ.
Bộ NN-PTNT thừa nhận một số vấn đề tồn tại đã lâu, gây bức xúc dư luận trong lĩnh vực bộ quản lý như: nhiều cơ sở, đặc biệt là các cơ sở giết mổ xếp loại C sau 2 lần kiểm tra chưa được xử lý; việc buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chưa được ngăn chặn; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; kháng sinh, chất bảo quản trong thịt gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi còn ở mức cao gây bất an cho người tiêu dùng; uy tín của doanh nghiệp, của hàng nông sản, thủy sản Việt Nam bị ảnh hưởng.
Những hành động cụ thể để giải quyết thực trạng trên sẽ được Bộ NN-PTNT đưa ra tại hội nghị trực tuyến triển khai đợt cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp từ nay đến hết Tết Nguyên đán 2016 diễn ra chiều 19-10 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Cao Đức Phát.
Theo Vương Ngọc (NLĐ)