Chiều cao trung bình của người Việt vẫn thuộc tốp thấp nhất châu Á
Hiện nay, tầm vóc người Việt Nam còn thua kém rất nhiều so với một số nước châu Á và càng xa hơn so với các quốc gia châu Âu. Nguyên nhân của thực trạng này không chỉ do gen di truyền mà còn do người Việt Nam không được bổ sung dinh dưỡng đúng và hợp lý theo từng lứa tuổi.
Chiều cao của nam và nữ đều thấp hơn chuẩn
Hiện chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) 13,1cm; của nữ là 153cm, thấp hơn chuẩn 10,7cm. Trong 35 năm qua, người Việt dù cao thêm 4 cm song hiện vẫn thuộc tốp thấp nhất khu vực châu Á. Sự khác biệt về chiều cao và cân nặng của người Việt so với chuẩn quốc tế rõ rệt nhất là ở nhóm tuổi từ 6 đến 12 tháng tuổi và từ 6 đến 11 tuổi.
Năm 2014, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi là 24,9%, thể nhẹ cân là 14,5%. Tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng vẫn tập trung cao ở những nơi khó khăn như Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân và gầy còm ở khu vực nông thôn, đặc biệt là các xã nghèo đều cao hơn so với khu vực thành thị.
Theo số liệu cuộc điều tra toàn quốc về vi chất dinh dưỡng được công bố tháng 10/2015, thiếu vi chất dinh dưỡng có xu hướng giảm so với điều tra quốc gia năm 2010 nhưng tốc độc giảm chậm và vẫn phổ biến ở trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ. Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em là 27,8%, phụ nữ tuổi sinh đẻ là 25,5% và phụ nữa có thai là 32,8%; tỷ lệ thiếu vitamin A lâm sàng ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,0%...
Phó giáo sư-tiến sỹ Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho biết chiều cao trung bình của người Việt Nam kém tới 8cm so với các nước trong khu vực. Thực tế cho thấy, dù kinh tế đã có cải thiện đáng kể, bữa ăn hằng ngày đã đầy đủ hơn song tầm vóc người Việt Nam hiện vẫn không cao hơn thế hệ cha, chú.
Chưa có chế độ dinh dưỡng hợp lý
Theo phân tích của các chuyên gia về dinh dưỡng, người Việt Nam thấp bé, yếu thể lực không phải do di truyền. Bằng chứng là việc theo dõi các trẻ em có cha mẹ là người Việt sinh trưởng và lớn lên tại châu Âu, khi trưởng thành đều đạt chiều cao tương đương với người ở nước sở tại. Điều này cho thấy chiều cao không hoàn toàn do gen mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như dinh dưỡng, môi trường, vận động... Vóc dáng của trẻ có thể cải thiện nhờ chế độ dinh dưỡng hợp lý. Tuy nhiên, bữa ăn của trẻ nhỏ ở Việt Nam hiện đang thừa thịt, ít rau và quá nhiều chất béo.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng nguyên nhân chính khiến thể trạng người Việt Nam ngày càng kém dần so với chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới là do khẩu phần ăn của trẻ chưa đáp ứng được với các chỉ số cần thiết để phát triển; mới chỉ đáp ứng được 60,3% nhu cầu canxi và 10,6% nhu cầu vitamin D.
Với chế độ ăn thiếu cả về chất lẫn lượng như vậy dẫn đến thiếu máu, kẽm, canxi... ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển chiều cao, cân nặng và khả năng học tập của trẻ.
Trong khi đó, phần lớn cha mẹ Việt Nam chỉ quan tâm đến việc cho con ăn ngon, ăn nhiều nhưng chưa thật sự biết đến yếu tố khoa học là ăn đủ chất và đúng. Nhiều bà mẹ thấy con còi cọc lại cho trẻ ăn thỏa thích những gì chúng muốn, từ đồ uống có ga đến thức ăn nhanh, các loại bánh, kẹo... Các đồ ăn này dù nhiều năng lượng nhưng thiếu vi chất dinh dưỡng. Việc uống quá nhiều nước ngọt có ga có thể làm tăng mức độ đào thải canxi, hạn chế phát triển chiều cao và dễ dẫn tới béo phì.
Các loại thức ăn chứa nhiều tinh bột, chất béo, bột đường chỉ sinh ra năng lượng, tăng cân nặng nhưng lại thiếu những món chứa nhiều prôtêin, canxi, sắt, vitamin, kẽm để giúp tạo cơ và xương thúc đẩy chiều cao. Do thiếu chất, thể trạng của trẻ thường không đạt được như mong muốn, cộng với việc dễ mắc các bệnh như tiêu chảy hoặc giun nên chiều cao của trẻ cũng khó đạt được theo chuẩn.
Nhiều chứng minh khoa học cho thấy về mặt phát triển trí tuệ thì đến 80% bộ não phát triển trong những năm đầu đời và nếu không được sớm “lập trình” để phát triển ngay từ giai đoạn này thì việc tác động vào những giai đoạn sau sẽ mất thời gian và tốn kém hơn rất nhiều. Về mặt thể lực, khoa học cũng chứng minh toàn bộ nguyên nhân thấp còi ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao, cân nặng của trẻ cũng chủ yếu xảy ra ở giai đoạn trong hai năm đầu và thậm chí ngay cả trong bào thai. Vì vậy, muốn giải quyết được vấn đề tầm vóc, thể lực cho thế hệ tương lai phải tác động đặc biệt trong chín tháng mang thai và hai năm sau khi ra đời. Những năm sau đó, bên cạnh vấn đề dinh dưỡng, thể dục thể thao và chăm sóc sức khỏe tốt sẽ tạo thành một sức mạnh tổng lực để nâng cao tầm vóc của trẻ.
Bổ sung vi chất dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết việc bổ sung vi chất là một trong các giải pháp quan trọng để cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao tầm vóc trẻ em Việt Nam. Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ nên bắt đầu từ sớm - khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ bằng việc bổ sung vi chất cho phụ nữ có thai.
Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng và Tổ chức Y tế Thế giới, phụ nữ có thai nên bổ sung viên sắt và acid folic hàng ngày ngay từ khi phát hiện có thai cho tới sau đẻ 1 tháng để dự phòng nguy cơ thiếu máu. Kết quả một số nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa tình trạng thiếu máu của mẹ và cân nặng sơ sinh cũng như tình trạng thiếu máu ở trẻ. Vì vậy, bổ sung viên sắt và acid folic là bước quan trọng đầu tiên để dự phòng nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt không chỉ ở mẹ mà còn ở trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, phụ nữ có thai nên bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất mà khẩu phần ăn thường không cung cấp đủ so với nhu cầu khuyến nghị như canxi, vitamin D, kẽm... Liều bổ sung nên tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ y tế cho từng trường hợp cụ thể.
Phó Viện trưởng Nguyễn Thị Lâm nhấn mạnh nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ nhóm tuổi từ 6-23 tháng có tỷ lệ thiếu đa vi chất cao nhất (sắt, kẽm, vitamin D...) và việc bổ sung đa vi chất có hiệu quả hơn việc bổ sung một vi chất đơn lẻ. Ở nhóm trẻ tuổi này có thể cho sử dụng các siro vi chất, hoặc các gói đa vi chất bằng cách hòa vào sữa mẹ hoặc trộn với thức ăn bổ sung của trẻ.
Ngoài ra, trẻ từ 6-36 tháng tuổi cần bổ sung vitamin A liều cao theo phác đồ 6 tháng 1 lần. Với trẻ từ 24-60 tháng tuổi thì đây là “giai đoạn vàng” đối với sự phát triển tầm vóc của trẻ nên bên cạnh việc nuôi dưỡng hợp lý, giai đoạn này trẻ vẫn cần được bổ sung những vi chất cần thiết để thúc đẩy quá trình tăng trưởng. Tuy nhiên, liều bổ sung đối với từng loại vi chất cần phải căn cứ từ nhu cầu khuyến nghị theo nhóm tuổi của trẻ.
Trẻ dưới 36 tháng tuổi vẫn cần được bổ sung vitamin A liều cao 6 tháng/lần. Bên cạnh đó, phụ huynh cần chú ý đến việc tẩy giun, tắm nắng cũng như phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn để phát huy tối đa tiềm năng tăng trưởng của trẻ.
Cùng với giải pháp bổ sung như trên, để phòng chống thiếu vi chất cho trẻ em, các bà mẹ nên đảm bảo nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục kéo dài tới 24 tháng. Khi đã cho ăn bổ sung nên chú ý lựa chọn các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng như gan, tiết, thịt bò, đậu đỗ… giàu sắt hay các thực phẩm giàu kẽm (tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành), các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng...).
Để giải quyết vấn đề dinh dưỡng và cải thiện tầm vóc, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Đề án gồm 4 chương trình lớn, trong đó có Chương trình số 2 là “Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan.”
Một trong 6 nội dung quan trọng của Chương trình số 2 là xây dựng “Chương trình sữa học đường cho học sinh mẫu giáo và tiểu học.” Mục tiêu lớn nhất của Đề án là nâng chiều cao của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ từ nay đến năm 2030 cao hơn từ 2,5-3 cm, đồng thời phát triển thể lực, tầm vóc người Việt trong 20 năm tới để nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam.
Theo THU PHƯƠNG (TTXVN/VIETNAM+)