Ngọt ngào tiếng hát ru
Ngày nay, tiếng hát ru càng lúc càng vắng dần. Vì vậy, Liên hoan Hát ru và hát dân ca thị xã An Nhơn - lần thứ 2 (10.2015) đã góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, như một thí sinh tham gia đã cất lên lời ca: “Ngàn năm trên dải đất này/ Cũ sao được cánh cò bay la lả/ Cũ sao được câu hát dân ca/ Cũ sao được lời ru thiết tha ngọt ngào...”.
1.
Liên hoan được Trung tâm VH-TT-TT phối hợp với Hội LHPN thị xã An Nhơn tổ chức từ ngày 12 -18.10, nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20.10.1930 - 20.10.2015). 150 thí sinh đến từ 15 xã, phường trên địa bàn thị xã đã nhiệt tình tham gia Liên hoan. Nét mới trong Liên hoan lần này là nhiều tiết mục dàn dựng công phu, xâu chuỗi thành hệ thống chương trình, lồng ghép các làn điệu dân ca, hát ru một cách uyển chuyển, mềm mại, tạo sự sinh động, hấp dẫn cho người xem.
Chị Đặng Thị Kim Huệ (người đứng giữa) đang biểu diễn trong chương trình tham gia Liên hoan của phường Nhơn Hòa (đoạt giải Nhất toàn đoàn).
Đến với Liên hoan, bên cạnh những người tham gia có kinh nghiệm dạn dày trên sân khấu, trẻ tuổi, được đào tạo trường lớp bài bản, thì cũng có những thí sinh mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn giữ lấy những câu hát, lời ru của bà, của mẹ để truyền lại cho các thế hệ mai sau.
Người xem không khỏi xúc động trước hình ảnh cụ bà Võ Thị Châu (94 tuổi, nhà ở thôn Đại An, xã Nhơn Mỹ), mái tóc bạc phơ, tay run run cầm chiếc micro, cất lên những khúc hát ru, dân ca ngọt ngào, đậm đặc chất xứ Nẫu: “Hời hời... Một mai ai chớ bỏ ai/ Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim” hay: “Ầu ơ... Ru con, con ngủ cho rầu/ Để mẹ đi chợ, mua nầu nấu cơm” . Cụ Võ Thị Châu đã được trao giải thí sinh cao tuổi nhất dự thi.
Cụ Châu tâm tình: “Tuổi thơ tui lớn lên cùng với nhịp võng đong đưa cùng lời ru của bà, của mẹ… nên tình yêu dân ca, hát ru ngấm vào người tự lúc nào không biết. Tui có nguyên một cuốn sổ chép tay để ghi lại những làn điệu dân ca, thỉnh thoảng ngâm nga cho vui tuổi già. Mấy đứa cháu nội, ngoại cũng quấn quýt bên bà, đòi nghe bà hát ru thì mới chịu ngủ. Tui cố gắng đến tham gia Liên hoan và thấy hạnh phúc khi được hát những giai điệu chân quê, mộc mạc chia sẻ cùng với mọi người…”.
2.
Nhiều địa phương tham gia đã có sự đầu tư sưu tầm, tìm kiếm vận động các hạt nhân mới tham gia để dàn dựng các chương trình hát ru, dân ca phong phú, có chất lượng “vượt bậc” hơn so với lần Liên hoan đầu tiên.
Một số thí sinh lần đầu tiên tham gia Liên hoan đã đem đến cho ban giám khảo và khán giả những bất ngờ thú vị. Chị Đặng Thị Kim Huệ (44 tuổi, ở phường Nhơn Hòa) đã thể hiện hình ảnh bà ru cháu truyền cảm và “đúng chất” những làn điệu hát ru, dân ca Bình Định. Qua đó, được trao giải cá nhân xuất sắc trong Liên hoan. “Đây là lần đầu tiên tôi thử sức hát ru và dân ca. Trước đây, tôi cũng đã từng là diễn viên tham gia hát bội tại nhiều gánh hát ở địa phương. Giữa hai loại hình nghệ thuật truyền thống này, bên cạnh những nét tương đồng cũng có nhiều nét khác biệt. Do đó, tôi đã cố gắng nỗ lực tìm tòi, học hỏi và tập luyện rất nhiều…”, chị Kim Huệ chia sẻ.
Liên hoan cũng đã tạo điều kiện cho các gương mặt trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên có cơ hội được tiếp cận tập luyện, biểu diễn “làm quen” với hát ru, dân ca. Nổi bật là cô bé Lê Phương Ny (11 tuổi), được trao giải thí sinh triển vọng nhất của Liên hoan. Nhiều khán giả thích thú vỗ tay tán thưởng khi Phương Ny say sưa hát: “Chuột chê lúa lép ta ní nọ không ăn/ Chuột á chê, á chê tình bồ đắp, ta ní nọ ra nằm a.. ì ... a ra nằm bụi tre” (điệu Lý Thiên Thai), hay cất những lời ru trong trẻo: “Con mèo, con chuột lom khom/ Em tao nó ngủ, mày dòm làm chi”.
Phương Ny bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên tham gia Liên hoan nên rất run. Được sự chỉ dẫn tận tình của cô giáo Lê Hằng ở trường mầm non của phường Bình Định, em dần thấy thích những làn điệu hát ru, dân ca…”.
KIM CƯƠNG