Do đâu bệnh SXH ở Vân Canh diễn biến phức tạp?
Trước tình hình sốt xuất huyết (SXH) diễn ra ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Vân Canh đã chủ động chỉ đạo tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh SXH trên địa bàn, theo phương châm “không có bọ gậy, không có SXH”. Tuy nhiên số ca bệnh SXH tăng đột biến trong tháng 9 và nửa đầu tháng 10.
Đội Y tế dự phòng huyện Vân Canh đã tích cực hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH, vệ sinh môi trường và sử dụng các biện pháp dân gian để tránh muỗi đốt… Trước đó, Đội tăng cường giám sát tại các thôn, làng có bệnh nhân mắc SXH; tổ chức tập huấn về công tác phòng, chống bệnh SXH cho cán bộ y tế xã, thị trấn, cộng tác viên và y tế thôn, làng trên địa bàn và các hình thức lồng ghép tuyên truyền khác.
Quá tải ở khoa Nội-Nhi-Lây Trung tâm Y tế huyện Vân Canh.
Đội Y tế dự phòng còn phối hợp với các xã, thị trấn phát động 2 đợt chiến dịch tổng vệ sinh môi trường khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, loại trừ bọ gậy để phòng chống dịch bệnh ở từng thôn, làng. Tại các ổ dịch, ngoài việc phun thuốc diệt muỗi; Đội cử cán bộ giám sát, vận động nhân dân diệt bọ gậy, nằm màn cả khi ngủ trưa và ngủ tối. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức của bà con còn hạn chế, Đội cử cán bộ trực tiếp súc rửa từng dụng cụ chứa nước của bà con, hướng dẫn bà con diệt bọ gậy. Tại 9 ổ dịch, Đội tiến hành phun thuốc 2 đợt, sau 14 ngày không có bệnh nhân mới mắc bệnh mới kết thúc diệt dịch.
Với các biện pháp phòng chống bệnh tích cực như vậy, nhưng bệnh SXH ở Vân Canh vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Từ đầu năm đến ngày giữa tháng 10, trên địa bàn huyện Vân Canh đã có trên 70 người mắc bệnh SXH. Đặc biệt số người mắc bệnh đột ngột tăng cao trong tháng 9 với 13 người, trong 7 ngày đầu tháng 10 là 31 người, trong đó có 15 người đang được điều trị tại Trung tâm y tế huyện và 16 người điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Cũng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã có 9 ổ dịch SXH được phát hiện, trong đó có 2 ổ dịch mới được phát hiện trong tháng 10.2015.
Lý giải về bệnh SXH ở Vân Canh đã và đang diễn biến hết sức phức tạp, chị Lê Thị Mai, cán bộ chuyên trách công tác phòng chống SXH, thuộc Đội y tế dự phòng huyện cho biết: Nguyên nhân chính là do ý thức của người dân chưa cao. Biện pháp phòng chống SXH hiệu quả nhất là diệt bọ gậy, phun thuốc chỉ là tạm thời; nếu không làm tốt việc tiếp tục diệt bọ gậy, thì chỉ sau khi phun thuốc một tuần theo vòng tuần hoàn là bọ gậy lại nở thành muỗi đốt người, gây SXH.
Qua kiểm tra, giám sát rất nhiều gia đình còn thờ ơ với việc phòng bệnh, chưa tự giác diệt bọ gậy để phòng chống bệnh cho mình; đặc biệt, ở một số làng đồng bào dân tộc thiểu số, ý thức phòng chống bệnh của người dân rất hạn chế, cán bộ y tế phải đi từng nhà diệt bọ gậy cho bà con, nhưng qua đợt dịch bà con lại lơ là phòng bệnh nên có làng dịch cứ trở đi trở lại. Thị trấn Vân Canh là địa phương có số người mắc SXH cao nhất huyện, cán bộ y tế về từng thôn, làng hướng dẫn bà con phòng chống bệnh, nhưng số người đi nghe tuyên truyền rất ít, thậm chí có thôn không tổ chức tuyên truyền được.
Hiện nay đã bước vào mùa mưa, là thời điểm thuận lợi về nhiệt độ, độ ẩm, môi trường nước ứ đọng, tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sản mạnh; SXH sẽ dễ bùng phát và diễn biến phức tạp trên diện rộng. Vì vậy để dịch SXH không xảy ra, thì ý thức tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh của người dân cần đề cao, như: ngủ màn, tích cực diệt lăng quăng, bọ gậy tại gia đình; vệ sinh môi trường, loại bỏ các dụng cụ chứa nước thừa như vỏ lon, lốp xe… để muỗi không còn chỗ đẻ trứng là rất quan trọng.
HẠNH PHÚC